title

Ý nghĩa sâu sắc của Cách mạng tháng Mười và những bài học tiếp theo
Thứ hai, 24/10/2022, 09:09 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

 

 

(Thanhuytphcm.vn) - Cách mạng tháng Mười mang nhiều ý nghĩa thật sâu sắc. Đó là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mark và học thuyết Lênin ở đất nước Nga rộng lớn; là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân và đội tiên phong là Đảng Cộng sản Bonsevich Nga; là sự kiện vô cùng quan trọng có tính chất “cột mốc” lần đầu tiên trên thế giới - một nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ra đời, đúng như lãnh tụ Lênin nói: “Chúng ta có quyền tự hào và thực chất chúng ta tự hào là chúng ta có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước Xô Viết và do đó mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới… khi tiến tới giải phóng loài người khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”.

Về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Cách mạng tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”. Đây là một chân lý ngời sáng mà các thế lực thù địch không ngớt phủ định, xuyên tạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ngợi ca: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Thực tế đã chứng tỏ những điều trên.

Được thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga cổ vũ, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân dấy lên sôi nổi ở châu Âu, những năm 1918 – 1923, hàng loạt đảng cộng sản ra đời.

Nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh vùng dậy mạnh mẽ. Sau khi giành được độc lập dân tộc, một số nước đi theo ngọn cờ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Lào… Hệ thống tư bản chủ nghĩa bị chặt đứt nhiều mắt xích, không còn bao trùm thế giới như trước đây…

Tuy nhiên, lịch sử nói chung và lịch sử hiện đại chúng ta đang sống đã diễn ra những bước đi quanh co, hàm chứa những thay đổi đầy bất ngờ, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô năm 1991 là những đảo lộn bất ngờ lớn nhất. Đây là tổn thất nặng nề chưa từng thấy trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như phong trào cách mạng thế giới.

Từ biến cố này, bài học đầu tiên cũng là bài học chủ yếu là sự lãnh đạo của đảng cầm quyền. Trong một thời gian khá dài, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô bị xem nhẹ, phần nào bị hạ thấp, tạo điều kiện cho một số phần tử cơ hội lọt vào Đảng và nắm những chức vụ quan trọng; những quan điểm tư tưởng hữu khuynh dần thắng thế và lũng đoạn Đảng. Công tác xây dựng Đảng lỏng lẻo cả về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xem nhẹ nguyên tắc tập trung dân chủ, đấu tranh nội bộ, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất, mất đoàn kết nghiêm trọng…

Cũng có nguyên nhân khách quan từ bên ngoài tác động vào, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Đảng Cộng sản là tổ chức tiên phong chiến đấu, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam, lấy tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển, lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt và cao hơn hết lấy kiên định, nâng cao giác ngộ lý tưởng cộng sản là nguyên lý xây dựng Đảng. Cần thường xuyên coi trọng và thực hiện tích cực công tác xây dựng Đảng, xem đó là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề sống còn của Đảng của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch cho ta bài học về sự tỉnh táo phân biệt đúng sai, phải trái và sự cần thiết phải mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng.

Sau 74 năm tồn tại và phát triển (1917 - 1991), Liên Xô tan rã làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng trong phạm vi toàn cầu, tình thế bất lợi thuộc về cách mạng. Những người có lương tri đều cảm thấy đau lòng, trong lúc các thế lực phản động quốc tế khôn xiết hí hửng vui mừng. Chúng lớn tiếng rêu rao, đây là thời điểm cáo chung của chủ nghĩa cộng sản. Chúng ra sức bài bác chủ nghĩa Mác – Lênin, đả kích các phong trào cách mạng. Thực tế chúng đã làm lung lay được niềm tin của một số người trên thế giới do nhận thức bị lệch lạc.

Nhưng chỉ đến cuối thế kỷ XX, tình hình nội tại của xã hội tư bản đã có nhiều biến động, phát sinh một số nguy cơ đe dọa, đến nỗi các học giả, chính khách của họ phải đưa ra hàng loạt khái niệm như “xã hội hậu tư bản”, “chủ nghĩa tư bản mới”, “chủ nghĩa tư bản nhân dân”… Có nghĩa là các nước tư bản không còn có thể huênh hoang tự đắc được nữa. Ngay trong năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam công bố Cương lĩnh xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ, về sau được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và IX khẳng định thêm. Bằng cách nhìn khoa học, biện chứng và thấm đượm tinh thần cách mạng, bản Cương lĩnh nhận định: “Chủ nghĩa xã hội hiện nay đang đứng trước những khó khăn thử thách lịch sử thế giới đang trải qua những quanh co, song loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.

Và như vậy, như bản Cương lĩnh khẳng định Chủ nghĩa Mác - Lênin đâu đã tiêu vong mà là một học thuyết tiến bộ đầy sức sống. Con đường thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười mở ra là con đường mà nhân loại đang đi và nhất định sẽ đến đích lớn chủ nghĩa xã hội.

Đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã và đang giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trên các mặt trận ngoại giao, kinh tế…

Trương Nguyên Tuệ

Số lượng lượt xem: 105