title

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẤU TRANH BÀI TRỪ MÊ TÍN, HỦ TỤC VÀ VIỆC VẬN DỤNG VÀO CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG MÊ TÍN, DỊ ĐOAN HIỆN NAY
Thứ bảy, 30/03/2024, 17:12 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bên cạnh việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng, chống mê tín dị đoan, hủ tục. Quan điểm của Người về đấu tranh bài trừ mê tín, hủ tục đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được nghiên cứu và vận dụng hiệu quả vào sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

 

 

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh bài trừ mê tín, hủ tục

Việt Nam là quốc gia có nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo đã tồn tại lâu đời. Tín ngưỡng, tôn giáo trở thành một nhu cầu tinh thần của nhân dân và là một bộ phận cấu thành của nền văn hoá dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, tôn giáo là một bộ phận của văn hóa do con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và mưu cầu hạnh phúc cho loài người. Tuy nhiên, mê tín dị đoan, hủ tục cũng gắn với tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, thường len lỏi, đan xen vào đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi vậy, cần phân biệt giữa mê tín dị đoan với tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh; bên cạnh việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, chăm lo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, cần phải đấu tranh phê phán, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu nhằm xây dựng thuần phong, mỹ tục, đời sống mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đồng bào có quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng. Từ đó, Người đề nghị Chính phủ phải xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật tôn giáo dựa trên nguyên tắc: “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Theo Người, quyền tự do tôn giáo phải được luật pháp thừa nhận và được chính quyền bảo đảm thực thi trong thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, người dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng phải theo đúng chính sách, pháp luật; hoạt động tôn giáo không được cản trở sản xuất, trái với chính sách, pháp luật, ai vi phạm sẽ bị pháp luật trừng trị. Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội; phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào, “phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ và thông suốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó “phải giải thích cho mọi người hiểu thật thấu và làm cho đúng. Phải đi đường lối quần chúng, không được quan liêu, mệnh lệnh, và gò ép nhân dân. Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân; tổ chức, giáo dục, động viên nhân dân xây dựng cuộc sống mới”.

Về mê tín dị đoan, hủ tục, nhận thức rõ tác hại của mê tín dị đoan nên từ rất sớm, trong tác phẩm Đường Cách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chủ trương phản đối mê tín đi liền với khuyên dân chúng học hành. Người chỉ rõ những biểu hiện, hậu quả của tình trạng mê tín dị đoan, hủ tục, như: khi “gặp hạn hán thì không tin vào lực lượng mình, mà mê tín cầu đảo cầu trời”; có nơi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, “đám ma để xác chết trong nhà lâu, mời thầy cúng về cúng mấy ngày rồi mới đem chôn”. Tình trạng mê tín dị đoan, hủ tục thường diễn ra vào dịp lễ, tết và Người nêu cụ thể: “Tết năm ngoái, có nơi giết trâu bò nhiều, ăn uống nhiều, thậm chí có nơi còn rước xách, cờ bạc, lãng phí nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất, đến thuần phong mỹ tục, mất đoàn kết, v.v.. Vậy Tết này, cần làm thế nào tránh được lãng phí, cán bộ nên bàn bạc với đồng bào tổ chức Tết cho vui vẻ, mạnh khỏe, tiết kiệm. Đảng và Chính phủ đã nói “phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”... Có người thực hành tiết kiệm, nhưng cũng có người không tiết kiệm mà còn lãng phí. Có nơi còn một số gia đình tổ chức đám ma, đám cưới, ăn uống xa xỉ rồi mang nợ cả đời, như thế là không tốt. Bây giờ ta phải giữ vững thuần phong mỹ tục, thực hiện đời sống mới”.

Về tác hại của mê tín dị đoan, hủ tục đối với đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, là gây cản trở sản xuất, làm cho con người thiếu tự tin vào bản thân mình, lệ thuộc vào thần, thánh, trời, Phật, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, cản trở xây dựng đời sống mới. Người nói, các tệ nạn “rước xách linh đình, đồng bóng, bói toán, v.v. thật là lãng phí, thiếu tiết kiệm, ảnh hưởng không tốt đến tăng gia sản xuất, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục”. Mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu không chỉ làm “hại vệ sinh, hại sức khỏe”, lãng phí thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến sản xuất và nguy hiểm là làm suy giảm niềm tin vào chính lực lượng, sức mạnh của nhân dân. Mặt khác, tình trạng này cũng tạo điều kiện cho những kẻ xấu lợi dụng kiếm tiền, trục lợi. Người viết: “Có một số người đồng bóng lạc hậu, mê tín bị những kẻ xấu lợi dụng để xoay tiền. Vì vậy, đồng bào phải cố gắng xây dựng lại thuần phong mỹ tục để hạn chế và tiễu trừ những tệ nạn đó”.

Về nội dung công tác tuyên truyền phòng, chống mê tín dị đoan và hủ tục lạc hậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu việc thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải đi đôi với tuyên truyền, phòng, chống lợi dụng tôn giáo và bài trừ mê tín dị đoan, giảm bớt hủ tục, nhằm xây dựng thuần phong, mỹ tục, xây dựng đời sống mới. Để bài trừ mê tín dị đoan và giảm bớt hủ tục lạc hậu, trước hết cần chăm lo phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát triển khoa học, giáo dục nâng cao trình độ dân trí. Người viết: “Ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và văn hóa của các dân tộc. Ra sức làm cho tốt, cho khéo để xóa bỏ những cái có hại như hủ tục mê tín dị đoan, thiếu vệ sinh, tảo hôn, v.v”. Muốn vậy, phải xây dựng đời sống mới, phát triển thuần phong mỹ tục. Người lưu ý, xây dựng đời sống mới phải xem cái gì cần phát triển, cái gì cần xóa bỏ hay giảm bớt, sửa đổi cho phù hợp: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi”. Người phê phán một số địa phương khôi phục thói cũ, nhưng lại khôi phục cả những mê tín, hủ tục: “Nói là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra. Xem ra, thì năm nay tương đối khá, còn như năm ngoái, khi khôi phục vốn cũ thì khôi phục cả đồng bóng, rước xách thần thánh. Vì khôi phục như thế nên ở nông thôn, nhiều nơi quên cả sản xuất, cứ trống mõ bì bõm, ca hát lu bù. Có những xã góp đến mấy triệu đồng đi mua áo, mua mũ, mua hia. Như thế nói là khôi phục vốn cũ có đúng hay không? Cái gì tốt thì ta nên khôi phục và phát triển, còn cái gì xấu, thì ta phải bỏ đi”. Người nêu câu hỏi và trả lời dứt khoát, rằng: “Cái gì phải xóa? Mê tín hủ tục. Cái gì cần phải phát triển? Văn hóa giáo dục, vệ sinh phòng bệnh”.

Cần phải coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu, tự giác thực hiện, không được cưỡng bức mệnh lệnh hành chính. Người viết, cần “giáo dục để sửa dần dần các phong tục, tập quán không lành mạnh, phải giải thích để nhân dân tự nguyện, tự giác bỏ phong tục xấu, tuyệt đối không dùng quan liêu cưỡng bức, mệnh lệnh”. Còn về thuần phong, mỹ tục, như đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau sản xuất, tiết kiệm, thì cần phát triển. Để đấu tranh loại trừ mê tín, hủ tục, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục thì giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bối cảnh đất nước giành được độc lập nhưng hậu quả của chế độ cũ để lại rất nặng nề, phần đông người dân mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Về văn hóa, chúng ta phải thanh toán hết nạn mù chữ, đào tạo cán bộ để xây dựng nước nhà, giữ gìn sức khoẻ của nhân dân, phát triển thuần phong mỹ tục”. Người căn dặn cán bộ làm công tác bình dân học vụ: “Vùng nào đã hết nạn mù chữ, thì các bạn thi đua để tiến lên một bước nữa, bằng cách dạy cho đồng bào: 1. Thường thức vệ sinh, để dân bớt đau ốm. 2. Thường thức khoa học, để bớt mê tín nhảm...”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải quan tâm xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc và đó là sự nghiệp của toàn dân. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dù bộn bề công việc chống thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 44-SL, ngày 3-4-1946, thành lập Ban Trung ương vận động Đời sống mới nhằm giáo dục cho cán bộ, nhân dân nếp sống mới yêu nước, cần kiệm liêm chính, đồng thời bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu và các thói hư tật xấu. Còn ở cơ sở, chính quyền mỗi xã đều có một ủy viên phụ trách xã hội, thực hiện nhiệm vụ về y tế, vệ sinh, cứu tế, bài trừ hủ tục...

Về phương pháp tuyên truyền phòng, chống mê tín dị đoan, hủ tục, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mê tín dị đoan, hủ tục là một hiện xã hội lâu đời, không thể một sớm, một chiều mà xoá bỏ ngay được, cần phải tuyên truyền, vận động bền bỉ, làm dần dần, không được nóng vội, phải khéo léo, tế nhị, tránh xúc phạm đến niền tin tôn giáo của quần chúng, không vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Người cho rằng: “Bây giờ có nhiều bệnh viện, bệnh xá, ở biên giới có các đồng chí công an vũ trang cũng giúp dân chữa bệnh rất tốt. Nhưng chưa phải là đã hết cúng bái mê tín. Vì đó là phong tục tập quán đã lâu đời. Muốn cải tạo phong tục tập quán được tốt, thì tuyên huấn phải làm, mà phải làm bền bỉ liên tục, làm dần dần, chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc”, phải biết nhẫn nại, tiến hành bền bỉ, liên tục. Để công tác tuyên truyền phòng, chống mê tín dị đoan, hủ tục đạt kết quả, thì người cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nhân dân, vừa là để gần dân, hiểu dân, vừa từ đó mà biết cách giải thích, tuyên truyền trong nhân dân. Bài trừ mê tín dị đoan nhưng không được xúc phạm đến tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời, Người phê phán nghiêm khắc cán bộ tuyên truyền phòng, chống mê tín dị đoan có hành vi không đúng khi đi tuyên truyền, vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hóa mới. Người nói: “Mấy anh em thanh niên tuyên truyền giảm bớt giỗ Tết. Nhưng đến khi ra chợ, gặp ai mua đồ mã thì giựt lấy đốt hết. Như thế là ngốc. Không biết rằng tuyên truyền thì phải dần dần nói cho người ta hiểu, để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta. Không biết rằng đơm cúng là một phong tục đã lâu đời, không phải một ngày một bữa mà bỏ được. Không biết rằng người ta đã mất tiền mua, mình giựt đốt đi, thì ai cũng tức giận”...

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền phòng, chống mê tín dị đoan, hủ tục là cơ sở quan trọng để chúng ta nghiên cứu, vận dụng vào công tác phòng, chống mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác tuyên truyền phòng, chống mê tín, dị đoan hiện nay

Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối, chính sách tôn giáo đúng đắn, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, vừa kiên quyết đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo, bài trừ mê tín dị đoan.

Đảng ta xác định, “cần phân biệt mê tín dị đoan với việc lễ chùa, lễ nhà thờ đạo một cách bình thường”; “cần phân biệt mê tín dị đoan với tự do tín ngưỡng. Pháp luật nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, nhưng nghiêm cấm mê tín dị đoan”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ “phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan” và “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”.

Ngày 30-10-2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó chỉ rõ: “Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Có biện pháp quyết liệt để xoá bỏ tình trạng tảo hôn, chấm dứt sớm hôn nhân cận huyết thống”. Ngày 4-6-2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong đó yêu cầu: “Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hoá độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam”.

Các chủ trương của Đảng được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật quy định về lễ hội, việc tang, việc cưới, sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng; tuyên truyền nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hoá mới, cải tạo các thói quen và nếp sống cũ, xây dựng thói quen và lối sống mới, truyền thông phòng, chống mê tín dị đoan trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, nêu rõ: Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, đẩy mạnh hơn nữa việc hạn chế, từng bước xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Xây dựng nếp sống văn hóa, tiến bộ, văn minh đô thị và nông thôn, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội... và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua về văn hóa.

Các hiện tượng mê tín dị đoan vẫn đang có ở nhiều nơi, trong đó, không ít cán bộ, đảng viên chịu ảnh hưởng của các hoạt động trên, ảnh hưởng không tốt đến đời sống xã hội và uy tín của tổ chức đảng, đảng viên. Đảng ta chủ trương “mở cuộc vận động sâu rộng toàn dân đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, cổ hủ, xa hoa lãng phí, vụ lợi trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhằm xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Chính phủ và các bộ, ban, cơ quan chức năng cũng có những văn bản quy định cụ thể việc thực hiện nếp sống mới, phòng, chống mê tín dị đoan, hủ tục; được chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, nhân dân nghiêm túc hưởng ứng, chấp hành. Nhờ vậy, công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống mê tín dị đoan cơ bản có sự chuyển biến tích cực, tình trạng mê tín dị đoan trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đã giảm thiểu đáng kể. “Về cơ bản, các hoạt động lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân và du khách trên cả nước. Việc đốt vàng mã tại các cơ sở Phật giáo cơ bản đã thực hiện đúng theo tinh thần tại Công văn số 31/CV-HĐTS, ngày 12-2-2018, của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc tăng cường nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Đồng thời, “các vị chức sắc và các tín đồ phật tử còn luôn phát huy một nền văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc với những tư tưởng truyền thống tốt đẹp..., giúp chúng ta chống lại những tiêu cực của văn hóa ngoại nhập hoặc mê tín dị đoan”. Mùa lễ hội năm 2023, “nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng văn minh, lành mạnh, tại các điểm tâm linh trên nhiều như đền, chùa, phủ và các lễ hội xuân đã có những chuyển biến đáng kể, văn minh, an toàn, giảm yếu tố mê tín dị đoan, đồng thời các lễ hội đã hướng về các giá trị truyền thống”.

Tuy nhiên, tình trạng hoạt động mê tín dị đoan trong sinh hoạt lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn diễn ra. Hoạt động tôn giáo tại các cơ sở thờ tự vẫn còn xuất hiện những hoạt động mang màu sắc mê tín dị đoan, có biểu hiện lệch chuẩn. Tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng kinh doanh dịch vụ trong di tích; biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi; đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ngoài tác động của kinh tế thị trường, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, bị những kẻ hành nghề mê tín, dị đoan lợi dụng để trục lợi; thì ở một số nơi, còn hiện tượng người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo vẫn tổ chức những lễ nghi mang tính mê tín, dị đoan hay tiếp tay cho mê tín, dị đoan; công tác thông tin, tuyên truyền chưa mang lại hiệu quả cao, chưa tạo ra thành phong trào có sức lan tỏa rộng, vẫn mang tính thời vụ, không duy trì thường xuyên, chỉ tập trung vào dịp đầu năm, lễ hội; công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở một số nơi còn có biểu hiện buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát.

Để khắc phục tình trạng mê tín, dị đoan trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, cùng với việc nâng cao trình độ dân trí, đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sự quản lý của chính quyền địa phương, trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức tôn giáo, cơ quan thông tấn, báo chí. Có như vậy, công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống mê tín dị đoan trong sinh hoạt tôn giáo mới đạt hiệu quả cao và bền vững, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, hưởng thụ văn hoá của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

ST & BT

Số lượng lượt xem: 10