title

PHÊ BÌNH THỰC CHẤT MỚI CÓ HIỆU QUẢ
Thứ năm, 11/04/2024, 18:02 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giấu khuyết điểm thì khuyết điểm ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa thì mọi việc đều hỏng.

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất của cách mạng, là nguyên tắc xây dựng, phát triển của Đảng.

 

 

Còn nguyên giá trị

Ngay từ những ngày đầu lập quốc cho đến mọi giai đoạn cách mạng sau này, Người thường xuyên nhấn mạnh vai trò tự phê bình và phê bình trong các bài nói, bài viết và các tác phẩm của mình để chỉ đạo, chỉnh đốn Đảng; căn dặn, giáo dục, cảnh báo về những căn bệnh có thể làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong vòng hơn 10 năm, từ 1945 đến 1956, Người viết 6 bài báo chuyên đề về tự chỉ trích, tự phê bình và phê bình. Người dành chương đầu tiên trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (10-1947) nói về "Phê bình và sửa chữa".

Trong số rất nhiều bài viết, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài "Tự phê bình" đăng trên Báo Nhân dân ngày 20-5-1951, cách đây vừa tròn 50 năm. Mở đầu bài báo, Người khẳng định như một chân lý: "Dao có mài, mới sắc. Vàng có thui, mới trong. Nước có lọc, mới sạch. Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế".

Tiếp đó, Người chỉ rõ: "Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Điều đó nói thì dễ nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị. Đó là lòng tự ái dại dột, khác nào có bệnh mà giấu bệnh. Giấu bệnh, thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi quá nặng không chữa được nữa, thì chết. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm càng ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa, thì mọi việc đều hỏng"... "Không thực hành tự phê bình, thì không xứng đáng là người cách mạng".

Bài báo phê bình thẳng thắn cán bộ, đảng viên vài nơi đã phạm những bệnh quan liêu, mệnh lệnh, tự phê bình qua loa, hình thức, không thật thà tự phê bình, đã dối trên, lừa dưới.

Nói về cách thức tự phê bình sao cho hiệu quả, Người viết: "Tự phê bình phải thế nào? Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm. Nghĩa là tự phê bình phải thường xuyên, chứ không phải chờ có khai hội mới tự phê bình, không phải khi làm khi không".

Người luôn nhấn mạnh phải thật thà, không giấu khuyết điểm khi tự kiểm điểm, tự phê bình trước mọi người. Qua đó, tìm cho ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục, sửa chữa. Theo Người, tự phê bình "là một cuộc đấu tranh. Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý"… "Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà, tự phê bình và kiên quyết chữa khuyết điểm".

Cuối bài báo, Người ân cần căn dặn mấy điểm chung, điểm riêng mà tất cả đảng viên, binh sĩ, công nhân, nông dân, lao động trí óc phải tự hỏi để tự phê bình: "Hôm nay, ta đã làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho ta chưa? Ta đã làm được gì ích lợi cho kháng chiến? Ta đã làm được gì trong công cuộc thi đua ái quốc?"… "Cán bộ chính quyền và Đảng thì phải tự hỏi: Ta đã tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh chưa? Đã thực hiện cần kiệm liêm chính chưa? Đã làm chu đáo những công việc Chính phủ và Đảng giao phó cho ta chưa?".

Đối đầu thách thức

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, Đảng ta đã và đang hành động quyết liệt để đối đầu với thách thức của nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm và các tiêu cực khác đang làm suy yếu Đảng, đe dọa sự thịnh suy của quốc gia, sự tồn vong của Đảng và chế độ; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta hẳn nhớ cách đây gần 9 năm, tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI (10-2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc hội nghị đã thay mặt Đảng nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Từ đó đến nay, với những quyết sách cứng rắn, không có vùng cấm, Đảng ta đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân "đấu tranh, phòng chống tham nhũng không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà thành một phong trào, một xu thế, làm có bài bản"; nhiều đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử; thi hành kỷ luật hàng chục ngàn cấp ủy viên và đảng viên sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý.

Điều đó minh chứng quyết tâm lớn của Đảng trong tự phê bình và phê bình, góp phần hun đúc, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân đối với Đảng ta - một Đảng "Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác"./

ST

Số lượng lượt xem: 8