title

NHÌN THẲNG - NÓI THẬT: HẬU HỌA CỦA THÓI XU NỊNH
Thứ hai, 04/03/2024, 08:47 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã có biết bao cuốn sách, lời bàn về xu nịnh, phê phán thói xu nịnh. Theo "Từ điển tiếng Việt" giải thích, “xu nịnh” nghĩa là “nịnh nọt để lấy lòng và cầu lợi”. Chỉ ngắn gọn thế mà ở đời vô số biểu hiện xu nịnh khác nhau.

 

 

Thông thường, dưới nịnh trên; nhưng khi cần, trên cũng nịnh dưới; đồng cấp cũng nịnh nhau; thậm chí có những người bình thường không ưa nhau, là đối thủ của nhau nhưng khi cần cũng phải nịnh nhau, đặc biệt là trước khi bỏ phiếu ở một cuộc họp, một đại hội quan trọng nào đó. Mục đích của xu nịnh ở cấp độ nào, thời nào cũng là cầu lợi, kể cả người xu nịnh và người được xu nịnh. Xu nịnh đã mang đến những hậu quả khôn lường.

Ở nước ta, thời Vua Trần Dụ Tông bất tài, bị một số quan lại triều đình nịnh bợ, không nghe theo những trung thần nên để dân chúng đói khổ, đất nước suy kiệt. Ở Trung Quốc thời Đông Chu liệt quốc, Vua Ngô là Phù Sai vì không chịu nghe lời can gián ngay thẳng của trung thần tướng quốc Ngũ Viên, chỉ nghe lời của kẻ nịnh thần là quan thái tể Bá Hi nên mất nước vào tay Việt Vương Câu Tiễn. Thời nhà Thanh có nịnh thần nổi tiếng là Hòa Thân, do có tài nịnh, được Càn Long tin dùng nên Hòa Thân đã lộng hành, khuynh đảo thiên hạ, hãm hại người tài, trung thần.

Thời nay, trong xã hội ta cũng không ít người nịnh rất khéo, rất giỏi, nói mười làm một mà vẫn được cấp trên dễ dàng tin tưởng, trọng dụng. Có người chỉ bằng “năng lực nịnh” mà làm cho cấp trên thân tín, gần gũi. Có người lại nịnh rất thô thiển nhưng vẫn được cấp trên chấp nhận. Kỳ thực ở đâu cũng có dạng người hay xu nịnh và những người thích được xu nịnh, đều vì mục đích có lợi cho mình. Nghiêm khắc mà nói, ngay cả những người chân chính, nếu không tỉnh táo, sẽ có lúc chạm vào “lằn ranh đỏ” xu nịnh.

Vậy sử dụng người hay xu nịnh như thế nào cho phù hợp trong bộ máy công quyền? Chuyện rằng mới đây, ở một cơ quan có một cuộc họp thường vụ đảng ủy xét đề nghị bổ nhiệm anh A là chuyên viên lên làm lãnh đạo. Sau khi nghe cán bộ tổ chức báo cáo với thường vụ tóm tắt nhận xét (chủ yếu là ưu điểm) của anh A để tập thể thường vụ cho ý kiến, cuộc họp diễn ra với nhiều ý kiến sôi nổi, cơ bản nhất trí với đề nghị của cơ quan tổ chức. Cuối cùng chỉ có bí thư đảng ủy lại có ý kiến khác.

Với đức tính thận trọng, thẳng thắn, bí thư đảng ủy đã đưa ra những bằng chứng rất cụ thể về anh A là một cán bộ tuy học hành cơ bản, có kinh nghiệm công tác nhưng lại có tính hay xu nịnh. Theo bí thư đảng ủy, nên để theo dõi giáo dục và điều động anh này sang một đơn vị khác, trước mắt chỉ làm chuyên viên, đi sâu một lĩnh vực của cơ quan, không liên quan, ảnh hưởng nhiều đến mọi người.

Theo lý giải của bí thư đảng ủy, nếu thường vụ nhất trí đề nghị đưa anh A lên làm lãnh đạo, quản lý một cơ quan sẽ có nhiều điều bất lợi. Vì bản thân anh A có tính hay xu nịnh thì chắc chắn sẽ có tư tưởng muốn có nhiều cán bộ dưới quyền xu nịnh mình, hầu hạ mình, điều đó thật là nguy hại cho cơ quan. Như thế vô tình chúng ta lại để anh A chuyển hóa, “đào tạo” ra nhiều cán bộ, đảng viên dưới quyền nảy sinh tính cách xu nịnh. Thử hỏi, từ một người rồi đến một nhóm người, một “hệ thống” người với nhiều cương vị khác nhau bị ảnh hưởng tư tưởng xu nịnh thì điều này hẳn sẽ phát triển thành cấp số nhân, rất tai hại cho Đảng, mà trước hết là hệ thống chính trị ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ý kiến thuyết phục của bí thư đảng ủy làm thay đổi hẳn suy nghĩ của phần lớn tập thể thường vụ, cho dù cũng còn một vài người chưa thật ưng thuận. Như hiểu rõ “lòng dạ” từng người, bí thư đảng ủy yêu cầu mọi thành viên trong thường vụ và cơ quan tổ chức nếu ai đã trót “nhúng chàm” với anh A thì nên tự giải quyết cho sáng tâm, sáng đức của người cán bộ, đảng viên. Cũng nhân buổi họp thường vụ đó, bí thư đảng ủy đề xuất một cuộc sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa” trong toàn đảng bộ, làm lành mạnh hóa các quan hệ nội bộ, kiên quyết chống bệnh xu nịnh, a dua trong cơ quan để góp phần xây dựng văn hóa ứng xử chuẩn mực, nhân văn./.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Số lượng lượt xem: 85