title

Ngày xuân, nhớ Tết trồng cây và triết lý sống hòa hợp với thiên nhiên của Bác Hồ
Thứ sáu, 16/02/2024, 08:35 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Chúng ta không chỉ nhắc nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, mà còn học ở Người một tấm gương đạo đức mẫu mực, một tình cảm gần gũi, gắn bó với thiên nhiên.

 

 

Trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài tháng 1-1946, Người nói bản thân mình chỉ cần “một cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ chăn trâu, không vướng víu gì với vòng danh lợi”. Tình yêu thiên nhiên rộng lớn đã tạo nên ở Bác cách sống, lối sống ứng xử hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và mang những giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc.

Xuân 1941, trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người ở Pác Bó (Cao Bằng), cuộc sống rất kham khổ: Tắm suối, ngủ rừng, ngủ hang, nước lá ổi thay chè, cháo bẹ, rau măng, cơm độn bắp, rồi cải xoong là thức ăn chủ yếu. Nhưng có thể nói, không một giây phút gian khó, thiếu thốn nào làm mất đi ở Người tình yêu cuộc sống, yêu lao động, yêu con người và thiên nhiên. Người ngồi làm việc giữa khung cảnh Pác Bó hùng vĩ, nên thơ, “Núi vẫn nghiêng đầu nghe vách đá - Hát cùng cây lá gió ngàn sâu” hòa hợp đến lạ kỳ, “không thấy một nét gì khác lạ, cách biệt, ở một người vốn là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đã từng dự Đại hội Tua, từng tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới”(1).

Cuối năm 1959, đón Xuân 1960, Bác phát động Tết trồng cây với mục tiêu “Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ điều hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Điều này thể hiện rất rõ trong những bài nói, viết của Người: 5 năm liền (1959-1964) Bác viết 5 bài cùng tên “Tết trồng cây” và trong mỗi bài, Bác đều đưa ra những dẫn chứng, lợi ích của việc trồng cây: Vừa có tính kinh tế, an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Đơn cử như trong bài Tết trồng cây viết ngày 28-11-1959, Người phân tích: “mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây”, thì sau mười năm, “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu sẽ điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”(2); và đặc biệt “Tết trồng cây là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nay mai” (3).

Để hoàn thành kế hoạch trồng cây hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng: “Thanh niên nên phụ trách việc trồng cây. Đồng thời phải kết hợp với lực lượng các cụ phụ lão và các cháu thiếu nhi. Nhiều cụ trồng cây rất giỏi. Phải giáo dục cho các cháu thiếu nhi bảo vệ và chăm sóc cây cối. Cần có kế hoạch làm cho mọi người tham gia trồng cây. Làm sao cho người trồng cây cũng có lợi. Như vậy mọi người sẽ phấn khởi trồng cây”(4). Lời kêu gọi của Bác được sự hưởng ứng rộng rãi của các địa phương trong cả nước, trở thành một nếp sống đẹp, một truyền thống không thể thiếu của người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về để góp phần “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

KIM YẾN

Số lượng lượt xem: 21