title

MÙA XUÂN, BÁC ĐẾN THĂM MIỀN NAM
Thứ ba, 13/02/2024, 12:37 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Mùa xuân năm 1969, tôi được cơ quan (Ban miền Nam của Trung ương Đảng) phân công đi giúp việc cho Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc.

Trong những ngày tháng 3 đó, đoàn được hai lần gặp Bác Hồ. Đây là Đoàn đại biểu miền Nam đông đủ nhất đại diện cho các vùng miền của miền Nam do bác sĩ Phùng Văn Cung - Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - dẫn đầu, trong đoàn có ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Josep Marie Hồ Huệ Bá - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đoàn có các Anh hùng, Dũng sĩ: Kan Lịch - nữ Anh hùng người dân tộc Pa Kô (Thừa Thiên), Huỳnh Thúc Bá (Liên khu 5), Đặng Văn Đâu (Đồng bằng Sông Cửu Long), Phan Văn Gừng (Sài Gòn - Gia Định) và các chị Mí Đoan (Tây Nguyên), Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi, ở TP. Sài Gòn), Trương Thị Chước (Quảng Nam), Nguyễn Thị Hường (Huế). Đây là mùa xuân cuối cùng Bác tiếp một đoàn đại biểu chính thức miền Nam và đặc biệt là lần “Bác đến thăm miền Nam” trong mùa xuân cuối cùng của Bác.

 

 

MIỀN NAM VỀ THĂM BÁC

Buổi sáng mùa xuân năm 1969 sẽ mãi mãi là buổi sáng không bao giờ quên. Trời Hà Nội lành lạnh của tiết xuân, hoa đào và các loại hoa Hà Nội nở rực rỡ. Trong sắc xuân Kỷ Dậu tươi vui, đầm ấm đó, Hà Nội đón Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, những đại biểu từ chiến trường trở về. Đoàn xe dành cho đoàn đi giữa hai hàng môtô hộ tống tiến vào Phủ Chủ tịch. Bác đứng giữa các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp chờ đoàn ngay ngoài sân. Bác tiến đến và ôm Trưởng đoàn Phùng Văn Cung khi anh vừa bước xuống xe. Bác ôm hôn thắm thiết, nồng nàn như đang thắm thiết ôm cả miền Nam chiến đấu vào lòng.

Cả đoàn nghẹn ngào xúc động và tràn ngập vui sướng theo chân Bác tiến vào phòng khách. Bác đứng giữa phòng vẫy các nữ đại biểu đến gần. Vui mừng, sung sướng và xúc động trộn lẫn vào nhau và dâng trào trong mỗi thành viên - thật là mừng mừng, tủi tủi! Các chị đều không ngăn được nước mắt. Chị Mí Đoan nói với Bác: - Bác ơi, cái bụng, con tim người Tây Nguyên thương Bác nhiều lắm!

Các chị đều khóc, có người quá xúc động khóc nghẹn ngào. Bác dịu dàng nhìn các chị và cả đoàn rồi nói: - Các cháu gái không được khóc, ngày xuân về thăm Bác phải vui chứ! Lại đây kể chuyện chiến đấu của bà con ta ở tiền tuyến cho Bác nghe nào.

Mọi người lau nhanh nước mắt, cùng tiến đến quây quần bên Bác. Bác hồng hào và vẫn có dáng vẻ khỏe mạnh. Bác rất vui. Tiết trời tháng 3 rét đậm, Bác mặc áo ka-ki có lớp ruột bông bên trong, quấn khăn len và đi dép cao su rất giản dị. Sự giản dị đó phá vỡ hết những hình thức mang tính chất lễ nghi ban đầu.

Với những động tác rất khoan thai, phấn khởi, Bác nhìn mọi người khắp lượt rồi nói lời chào mừng: Trong thơ Tết năm nay tôi có nói rằng: “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào. Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Trong lúc viết như thế, tôi không chắc là câu thơ được thực hiện sớm như vậy. Hôm nay, có bác sĩ Phùng Văn Cung và Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng, vui mừng.

Bây giờ, tôi hoan nghênh Đoàn đại biểu miền Nam ruột thịt mà nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không hết được ý, tôi xin phép nói một câu: “Bước đầu muôn dặm một nhà. Bắc - Nam sum họp chúng ta vui mừng”.

Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe luật sư Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bác hỏi thăm từng người trong đoàn, gửi đoàn mang về tiền tuyến lớn lòng yêu thương vô hạn của Bác và của 17 triệu đồng bào miền Bắc đối với 14 triệu đồng bào, chiến sĩ ở miền Nam (năm 1969, dân số cả nước cộng cả hai miền có khoảng 31 triệu người). “Bác chúc mọi người hăng hái thi đua giết giặc lập công, đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, để Tổ quốc được độc lập, tự do thực sự, để Bắc - Nam sum họp một nhà”.

Với niềm xúc động dâng tràn, bác sĩ Phùng Văn Cung đứng dậy thay mặt đoàn nói lên niềm vinh dự của đoàn được ra thăm miền Bắc, được về thăm Bác cùng các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Anh nêu lên quyết tâm của quân dân miền Nam hăng hái tiến lên đánh thắng giặc Mỹ để giải phóng miền Nam, đón Bác vào Nam cho thỏa lòng bấy lâu mong nhớ. Tràng pháo tay vừa dứt, Bác nhìn nhanh mọi người và đề nghị các đại biểu kể chuyện miền Nam để Bác và các đồng chí lãnh đạo cùng nghe. Lúc này ngồi cùng ghế với Bác có anh Phùng Văn Cung, chị Mí Đoan và Bác Tôn. Anh Cung vừa báo cáo với Bác một số nét chính về những thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam xong thì Bác tươi cười quay sang phía chị Ba Thi, vẫy tay gọi: - Cháu lên đây, đại biểu Sài Gòn lên đây.

Bác ngồi xích về phía anh Cung để một chỗ ngồi gần Bác cho chị Ba Thi.

Quay sang chị Ba Thi, Bác ân cần bảo: - Cháu kể chuyện đi!

Chị Ba Thi nghẹn ngào lúc lâu mới thưa được với Bác về những tình cảm của đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói chung và chị em phụ nữ nói riêng mà chị đã được nhắn nhủ trước khi ra miền Bắc. Chị cũng thưa được với Bác lời hứa của chị em Hội Phụ nữ Giải phóng, mà hôm ra đi chị Ba Nguyễn Thị Định đã dặn đi dặn lại phải thưa với Bác: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, chị em phụ nữ miền Nam cũng xin hứa với Bác sẽ thực hiện lời Bác dạy, quyết góp phần cùng toàn dân đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Chị kể lại với Bác chiến công của Tiểu đoàn tự vệ Lê Thị Riêng gồm toàn những chị em nữ thanh niên đã chiến đấu rất anh dũng giữa Sài Gòn.

Nghe xong, Bác cảm động nói: - Chúng ta nhất định thắng, miền Nam nhất định được giải phóng.

Bác hỏi chuyện chị Mí Đoan, chị Kan Lịch về tình hình Tây Nguyên, vùng miền núi Trị Thiên, hỏi thăm nhiều người trong đoàn với những câu thân tình, ấm cúng như câu chuyện giữa ông cháu, cha con.

Không ai bảo ai nhưng mỗi người đều cảm thấy ngoài tình cảm to lớn, ngoài vinh dự được về thăm Bác, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc còn một tình cảm sâu sắc của người cha, người ông ruột thịt của mình.

BÁC THĂM MIỀN NAM

Cả đoàn vừa lưu luyến rời Phủ Chủ tịch, tạm biệt Bác và các vị lãnh đạo trở về nhà khách ở Bắc Bộ phủ được một lúc thì Bác Hồ cùng với Bác Tôn Đức Thắng, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm đoàn. Thật là bất ngờ và vô cùng cảm động. Các chị em phụ nữ, các cháu Anh hùng, Dũng sĩ và các đại biểu phá bỏ hết cả lễ nghi, chạy đến ôm chầm lấy Bác. Mọi người ngồi quây quần bên Bác, không sắp xếp nhưng tình cờ một sự đại diện rất hoàn hảo: bên phải Bác là chị Nguyễn Thị Ráo, tiếp đến là Anh hùng Huỳnh Thúc Bá của chiến trường Liên khu 5, sau lưng Bác là nữ Anh hùng Kan Lịch của chiến trường Trị Thiên, bên trái Bác là Đặng Văn Đâu - Anh hùng của đồng bằng Nam Bộ và người ngồi phía dưới trước mặt Bác là Dũng sĩ trẻ tuổi Phan Văn Gừng của Sài Gòn - Gia Định. Bác vui vẻ ngồi giữa con cháu, cho các cháu trẻ được vuốt chòm râu rất mềm mại và trắng như cước của Bác. Một phút im lặng trang nghiêm, Bác tươi cười nói: “Sáng nay đoàn miền Nam về thăm Bác, thăm Trung ương Đảng, Chính phủ. Còn bây giờ, Bác và các chú Trung ương đến thăm miền Nam”. Được đón Bác trong khung cảnh đó, mọi người ai cũng thấy như Bác đang ngồi giữa Sài Gòn, giữa hàng triệu cháu con miền Nam thiết tha, mong nhớ...

Trong phút ấm cúng đó, chị Ba Thi - Nguyễn Thị Ráo thưa với Bác: - Chúng cháu ở miền Nam, vâng theo lời Bác, không nề hy sinh gian khổ, đánh Mỹ đến 100 năm cũng không sợ. Chỉ sợ một điều... là Bác trăm tuổi.

Một nét suy nghĩ thoáng qua vầng trán Bác. Bác quay lại hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: - Năm nay Bác bảy mươi mấy rồi, chú? - Thưa Bác, năm nay Bác bảy mươi chín. - Thế thì còn đến hai mươi mốt năm nữa, Bác mới được trăm tuổi. Bác kêu gọi các cô, các chú đánh giặc Mỹ năm, mười, hai mươi năm, chứ có bao giờ Bác nói hai mươi mốt năm đâu. Nếu hai mươi năm nữa mà ta thắng đế quốc Mỹ thì Bác cũng còn một năm vào thăm các cụ, các cô, các chú, các cháu miền Nam...

Bác cười, cả đoàn cười theo Bác trong niềm xúc động mãnh liệt về tình Bác đối với miền Nam. Rất vui, Bác nhìn nhanh mọi người đang vây quanh đôn hậu và trìu mến: “Bác đang ở giữa miền Nam...”.

Trong thư gửi đồng chí Lê Duẩn năm 1965, Bác đề nghị bố trí để Bác vào Nam bằng đường biển. Sau đó Bác lại đề nghị bố trí cho Bác đi bộ qua đường Trường Sơn và ngày ngày Bác tập đi bộ, leo dốc... Nhưng vì sức khỏe của Bác không bảo đảm, Trung ương chưa bố trí được để Bác vào Nam.

Lúc trẻ khi tìm đường cứu nước, Bác đã xuyên dọc chiều dài đất nước và rời Sài Gòn ra đi. Mùa xuân năm 1911 đã in sâu trong Bác với những tình yêu thương sâu sắc. Sài Gòn đã tiễn Bác ra đi tìm đường cứu nước. Khi làm Chủ tịch nước, năm 1946 sau chuyến thăm nước Pháp trở về, Bác đã có dịp dừng lại ở Vịnh Cam Ranh của miền Nam yêu dấu. Miền Nam luôn in đậm trong lòng Bác, trong tim Bác.

Mùa xuân năm 1969, mùa xuân cuối cùng của Bác, Bác đã “đến thăm miền Nam”, “Bác đang ở giữa miền Nam”, Bác quây quần sum họp với cháu con là đại biểu đủ các vùng của miền Nam. Mùa xuân đó mãi mãi thắm tình Bác với miền Nam./.

Số lượng lượt xem: 11