title

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 20 tháng 4 năm 1963): LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU !
Thứ bảy, 20/04/2024, 16:33 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 20/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm bệnh xá xã Vân Đình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Khi đến đây, Người đi thăm từ phòng khám bệnh, phòng điều trị đến vườn trồng cây thuốc, nhà bếp, khu vệ sinh… Bác ân cần thăm hỏi các bệnh nhân, khen cán bộ, nhân viên đã giữ gìn bệnh xá sạch sẽ và căn dặn mọi người: “Trong công tác phục vụ cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần. Có thuốc hay, thức ăn ngon, còn cần phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt. Lương y phải như từ mẫu”.

 

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy thuốc (lương y) phải là người có lòng nhân ái, thương yêu người bệnh như mẹ hiền (từ mẫu) thương yêu các con của mình. “Lương y phải như từ mẫu” là y đức, đặt nền tảng chính là sự “Tôn trọng sinh mạng con người”. Vì vậy, đã là người thầy thuốc thì phải coi trọng đức - nhân, tận tình chăm sóc người bệnh, vì quyền lợi, sức khỏe của người bệnh, không phân biệt đối xử, luôn công bằng và trung thực.

Thực hiện lời dạy của Người, ngành y tế nói chung, quân y trong quân đội nói riêng qua các thời kỳ cách mạng, luôn trau dồi y đức, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để chăm sóc bệnh nhân. Vì thế, trong sự khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, thiết bị y tế trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các y, bác sĩ quân đội vẫn ngày đêm tận tụy cứu chữa, chăm sóc người bệnh, chăm sóc thương bệnh binh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến.

Lời dạy của Bác về y đức vẫn còn nguyên giá trị và trở thành phương châm, tôn chỉ mục đích nghề nghiệp cho những người làm công tác y tế, để hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế Việt Nam theo đúng phương châm: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”.

____________

- Ngày 20/4/1931, trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc phê bình cuộc Hội nghị Xứ ủy Trung và Bắc kỳ về “cách khai hội”, “cách thảo luận”, “vấn đề tên Đảng” và xác định “lực lượng của Đảng”. Nguyễn Ái Quốc đề nghị phải sửa chữa những thiếu sót, phải có chương trình hành động cụ thể cho từng huyện, từng tỉnh, cho mỗi đảng viên với yêu cầu “Tất cả mọi đảng viên và tất cả các chi bộ phải thảo luận Chỉ thị của Quốc tế thứ ba và Nghị quyết của Trung ương”.

- Ngày 20/4/1939, từ Quảng Tây (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết thư (ký bút danh là “Lin”) gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Trong đó, đưa ra những đánh giá về tình hình ở Việt Nam “sự đàn áp xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Kỳ, chống những… phần tử cánh tả, những công nhân và những nông dân hoạt động... Tôi có cảm tưởng rằng phong trào của mặt trận thống nhất ở xứ này không mạnh lắm. Trái lại, những phần tử cánh tả hoạt động khá mạnh...”.

- Ngày 20/4/1948, trong thư gửi Hội nghị Tổng bộ Việt Minh, người sáng lập ra tổ chức chính trị này đã phân tích những nguyên nhân thành công là: “Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cướp được chính quyền, Việt Minh định tổ chức một Chính phủ rộng rãi, gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia. Lúc đó có người nghĩ rằng các nhân sĩ có danh vọng chưa chắc vui lòng hợp tác với Việt Minh. Song vì Việt Minh đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc, cho nên các bậc có tài đức danh vọng đều vui lòng hợp tác trong Chính phủ”. Bức thư còn đề cập những khuyết điểm do phát triển quá nhanh mà không kịp quan tâm huấn luyện cán bộ dẫn đến việc một số cán bộ thoái hóa làm sai chính sách.

- Ngày 20/4/1949, Báo Cứu Quốc đăng nội dung trả lời phỏng vấn báo La Tribune (Diễn đàn). Giải thích câu hỏi “Thi đua ái quốc là gì”, Bác trả lời: “Đặc điểm của Thi đua ái quốc là: Đưa tất cả tinh thần và lực lượng của quân và dân Việt Nam để thực hiện ba mục đích: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Bác cũng bày tỏ “chúng tôi hoan nghênh những đại biểu báo ngoại quốc mà ngôn luận công bằng” đến vùng tự do. Trả lời câu hỏi về thái độ với nước Pháp khi Việt Nam hoàn toàn độc lập, Bác xác nhận: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn”.

ST& BT

Số lượng lượt xem: 17