title

Học Bác Hồ về lòng thương người ở những điều bình dị
Thứ tư, 18/05/2022, 08:45 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Chúng ta nghe nói rất nhiều lần về lòng yêu thương con người của Bác Hồ. Hẳn chúng ta cũng tích cực thực hành các bài học ấy trong cuộc sống của mình, bằng nhiều hình thức, trong nhiều bối cảnh khác nhau. Nhưng có lẽ giá trị của các bài học ấy sẽ rất sâu sắc, rất có ý nghĩa nếu chúng ta thực sự yêu thương con người từ những điều bình dị và bằng những điều bình dị.

Sau cuộc sinh hoạt chi bộ, một đảng viên nói: “Các anh chị vui lòng mang vỏ dừa bỏ vào thùng rác dưới lầu, không thôi cô lao công đang có bầu phải vất vả mang xuống…”. Một lời nhắc rất chân tình, giản dị nhưng chứa đựng một sự quan tâm sâu sắc đến người khác, mà người đó không cùng đơn vị nhưng hằng ngày âm thầm giúp cho cơ quan được sạch sẽ. Bây giờ, chị ấy có thai, các công việc chân tay dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên rất cần được quan tâm, chia sẻ. Dù rằng, nhiều người trong cơ quan có thể chưa biết tên chị ấy, nhưng điều ấy không quan trọng, bởi dù là ai, chúng ta cũng cần có sự tôn trọng, thương yêu, ít nhất là ở tình người với nhau, sau nữa là tình đồng nghiệp…

Hay trong một dịp tết, chị nhân viên chăm sóc cây xanh sau giờ làm việc vất vả đã được một người mà chị chưa từng biết tên, chưa có mối liên hệ nào trừ những lời chào xã giao mỗi khi gặp mặt, mời đến phòng và tặng chị một phần quà. Lúng túng cầm món quà trên tay, có lẽ chị chưa rõ giá trị như thế nào, nhưng chị rất cảm động bởi tình cảm ấm áp của một người chỉ biết mà chưa quen, chỉ gặp gỡ mà không hẳn là đồng nghiệp. Có lẽ chị còn chưa kịp cảm nhận được ánh mắt hạnh phúc của người tặng bởi đã đem lại niềm vui bất ngờ cho một người vốn được phân công để làm công việc này chứ không có sự gắn bó nào đáng kể.

Một anh bảo vệ ở cơ quan nọ hay nhận giúp người trong cơ quan mình các món hàng đặt mua trên mạng, khi được shipper chuyển đến. Anh tự thấy đó là việc mình nên làm, để giúp đỡ các đồng nghiệp, có khi bận đi công tác hoặc đang kẹt họp hành gì đó mà chưa ra nhận kịp. Nhưng rồi anh bất ngờ khi nhận được một món quà của một đồng nghiệp, nói là “quà của quê”. Anh thấy rõ quà tuy không có giá trị cao nhưng thể hiện tình cảm ấm áp của người tặng, bởi đó là công sức, là tấm lòng và tình cảm mà người đó muốn gửi đến anh, hẳn không chỉ từ sự giúp đỡ mà còn từ sự sẻ chia, gắn kết… Ở đây, đã có tình cảm “hai chiều” đều bắt đầu bằng những sự giản dị, chân tình.

Chúng ta đều biết Bác Hồ rất đỗi vĩ đại mà cũng rất giản dị. Chúng ta đều nỗ lực học tập sự giản dị đó. Nhưng không phải lúc nào và người nào cũng học tập tốt. Đôi khi chúng ta chưa tìm hiểu sâu về sự bình dị, nhất là trong việc thể hiện lòng yêu thương con người. Chẳng hạn, cơ quan vận động mỗi cán bộ, nhân viên ủng hộ một số tiền nhất định để giúp đỡ một trường hợp khó khăn, thì chúng ta có khi đóng góp đúng số tiền được đề nghị, không quan tâm nhiều đến tình trạng sức khỏe của người đó ra sao, khả năng phục hồi thế nào, các khoản đóng góp liệu có đủ trang trải không… Chúng ta cũng ít khi sắp xếp để đến thăm, trừ trường hợp thân thiết, gần gũi hoặc có trách nhiệm phải thực hiện. Có thể chúng ta vẫn là thể hiện rõ lòng thương người nhưng hình như còn thiêu thiếu thứ gì đó, như sự chân thành, sự sâu sắc, sự thấu cảm… Nên lòng yêu thương đó hình như còn chưa thực sự giản dị mà có phần hình thức, có phần chiếu lệ.

Cũng vì vậy, chúng ta có thể thấy thương cảm trước một hoàn cảnh khó khăn mà ta đọc được trên báo, trên một trang mạng xã hội có uy tín; rồi ta cũng gửi tiền ủng hộ đến số tài khoản được đăng tải… Nhưng rồi ta quên mất việc đó, đến độ bất chợt hỏi lại, chúng ta không biết tình trạng người đó giờ ra sao, liệu đã phục hồi chưa… Bởi đôi lúc, chúng ta tự nhận rằng mình đã có đóng góp thì coi như đã thể hiện lòng thương người rồi, đã là tốt rồi, cần cầu kỳ chi nữa… Và như vậy, chúng ta mới yêu thương con người được một nửa!

Nhiều người đã thực hành lòng nhân ái một cách sâu sắc, thuần thục nhưng cũng rất giản dị. Có người rất tích cực tham gia các công tác xã hội, như tặng quà cho người vô gia cư, người nghèo ở các tỉnh xa, bệnh nhân nan y gặp khó khăn…, bằng cách vừa góp tiền vừa trực tiếp đến tận nơi, gặp tận mặt. Không hẳn vì họ thiếu lòng tin ở nơi mà họ gửi tiền mà chính là vì họ muốn được thể hiện tình cảm của mình một cách trực tiếp, cụ thể. Gặp một người không có nhà, phải co ro dưới dạ cầu, họ có thể nói một câu động viên tự đáy lòng, từ đó, khích lệ sự chịu đựng và vươn lên; nắm lấy bàn tay bệnh nhi chằng chịt dây truyền, họ dùng ánh mắt và hơi ấm để xoa dịu nỗi đau và truyền nghị lực để cháu không ngừng chiến đấu với bệnh tật; ngồi bệt xuống đất để trò chuyện với một người nghèo ở vùng biên giới, họ có thể tỏ ra sự thông cảm sâu sắc và gợi mở tinh thần vượt khó dù trong hoàn cảnh nào cho người đó… Lời nói, cái nắm tay, khoảnh khắc gần gũi ấy chính là sự bình dị, chân thật, thiết thực, cụ thể, làm cho con người gần với con người hơn.

Đồng chí Phạm Văn Đồng khi còn là Thủ tướng đã nêu ý kiến: “Lòng nhân ái, thương người và kính trọng con người, phải chân thực ở trong tâm của ta, rồi tự nhiên bật ra thành thái độ và hành động, chẳng phải suy nghĩ gì, như là từ bản năng”. Đó mới thực sự là lòng nhân ái bình dị mà sâu sắc, giản đơn mà bao la, có khi chỉ là khoảnh khắc nhất thời nhưng là sự bộc lộ của cả một tâm hồn… Cho nên lòng nhân ái không phải bằng các câu hô hào rất kêu, cũng không phải những lời có cánh mà thoáng chút đã bay mất, cũng không phải các hành động đậm tính hình thức… Lòng nhân ái nên đến từ các khoảnh khắc bình thường, cả với những người tầm thường, luôn bằng cảm xúc thông thường, tức là sự chân thành, bình dị. Đó mới là học đúng theo Bác Hồ!

Nguyễn Minh Hải

Nguồn: Sưu Tầm

Số lượng lượt xem: 66