title

Hành trình theo chân Bác, ngày 14/4: “Phải làm cho thủ đô ngày càng sạch sẽ vui tươi”.
Chủ nhật, 14/04/2024, 11:07 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Cách đây 104 năm, ngày 14-4-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ Tổng thư ký Hội Liên minh Nhân quyền. Đây là tổ chức quan tâm đến các thuộc địa và bênh vực dân bản xứ trước những chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân.

 

 

Ngày 14-4-1924, Nguyễn Ái Quốc chính thức được nhận vào làm việc ngoài biên chế tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.

Ngày 14-4-1928, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Phong trào công nhân ở Ấn Độ” (ký bút danh là Wang), gửi đăng trên tờ Inprekorr của Quốc tế Cộng sản, với nhận định: “Mặc dầu có tình trạng vô tổ chức của thợ thuyền và thái độ hèn nhát của những người theo chủ nghĩa cải lương, nhưng sự nghèo khổ làm cho vô sản Ấn Độ cấp tiến hơn”.

Ngày 14-4-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Hội đồng Chính phủ và trong ngày đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có các sắc lệnh phát hành “Công phiếu kháng chiến” trong cả nước (sắc lệnh số 160); tặng thưởng những tấm Huân chương Quân công hạng nhất đầu tiên cho 3 đơn vị là Đội quân Giải phóng, Đội quân Du kích Bắc Sơn và Đội quân Khởi nghĩa Nam bộ (sắc lệnh 163); đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ thành Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam (sắc lệnh 165)...

Ngày 14-4-1961, bàn về chính sách thu mua lương thực trong một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác nêu ý kiến: Các hợp tác xã nên đặt chế độ để thóc nghĩa thương, tức là phát huy một truyền thống vốn có trong nông thôn nước ta là gây quỹ thóc để tương trợ những đồng bào thiếu ăn, đói. Bác cũng lưu ý rằng trong thời điểm còn gặp khó khăn về lương thực hiện nay, việc định mức cho dân phải được nghiên cứu, đồng thời cũng đưa ra một nhận định là “thị trường tự do nên có”.

Ngày 14-4-1964, phát biểu với bà con cử tri Hà Nội, Bác bày tỏ rằng đã tham gia Quốc hội đến nay là 20 năm, nhưng cách mạng đòi hỏi nên còn phải phấn đấu chưa thể hưởng “vui thú thanh nhàn”, vì nguyện vọng tha thiết vẫn là được chứng kiến niềm vui: “Bắc Nam sum họp một nhà/ Cho người thấy mặt thì ta vui lòng”. Bác góp ý về công tác vệ sinh đô thị của thủ đô: “Chúng ta ngày nào cũng rửa mặt đánh răng, thì thành phố của chúng ta ngày nào cũng phải quét dọn tươm tất. Chúng ta phải làm cho thủ đô ngày càng sạch sẽ vui tươi”.

Ngày 14-4-1967, Bác lên đường sang Trung Quốc chữa bệnh. Một năm sau, ngày 14-4-1968, cũng từ nơi an dưỡng, Bác làm bài thơ “Mậu Thân xuân tiết”: “Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên / Hồng hồng, tử tử hỗ tranh nghiên / Bạch điếu tróc ngư hồ lý khứ / Hoàng oanh phi thượng thiên / Thiên thượng nhàn văn lai hựu khứ / Mang bả Nam phương tiệp báo truyền”. Lời dịch của Phan Văn Các: “Tháng tư hoa nở một vườn đầy / Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi / Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá / Hoàng oanh vút tận chân trời / Trên trời mây đến rồi đi / Miền Nam thắng trận mang về tin vui”./.

Theo Sách Hành trình theo chân Bác

Số lượng lượt xem: 9