title

HÀNH TRANG TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐỂ LẠI CHO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ ĐÔNG NAM BỘ
Thứ năm, 25/07/2024, 17:01 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn mãi, là nguồn động lực lớn để đất nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ vượt qua bất kỳ khó khăn, thách thức nào.

 

 

Trong 13 năm giữ cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm và làm việc. Ngoài những chỉ đạo, định hướng trực tiếp cho Đảng bộ và chính quyền thành phố, Tổng Bí thư cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới đầu tàu kinh tế của cả nước với những chủ trương, định hướng lớn trong quá trình hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn lớn về chính sách.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu chính sách, khoa học xã hội, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), cho rằng, trong thành quả phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp, dấu ấn không thể phai mờ.

"Đặc biệt nhất trong những dấu ấn đó là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31. Từ đó mở đường cho việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh", PGS.TS Vũ Tuấn Hưng chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Tình cảm đặc biệt với Thành phố Hồ Chí Minh

Nhìn lại sự nghiệp của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông Vũ Tuấn Hưng nhìn nhận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà tri thức, được đào tạo bài bản, trưởng thành qua thực tiễn và là một trong những người có thời gian, vị trí công tác phong phú.

"Tổng Bí thư có tư duy ở tầm chiến lược, toàn diện, nhưng cũng bám sát thực tiễn, mang tính khả thi cao dựa trên tình hình thực tế của từng vùng và cả nước. Trong đó có vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh", Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhìn nhận.

Vị chuyên gia xâu chuỗi lại, cả quá trình công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhiều cương vị đều là những mốc tích lũy kinh nghiệm quý báu để lãnh đạo, chỉ đạo đất nước trong giai đoạn có ý nghĩa lịch sử quan trọng đặc biệt của dân tộc.

PGS.TS nhớ lại, vào ngày 29/1/2011, ngay sau khi kết thúc thành công Đại hội XI của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội về thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía nam, Tổng Bí thư cũng theo dõi sát sao thông tin hàng ngày và gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với đồng bào.

Khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, ngày 23/9/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ đạo, động viên tinh thần Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Qua buổi làm việc này, ông đã lắng nghe, nắm bắt tình hình thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh, các khó khăn, thách thức và điểm nghẽn trong phát triển.

"Qua những dấu ấn này, chúng ta có thể thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời luôn dành những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt tới Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Điều này cũng mang đến những động lực, tiếp thêm sức mạnh to lớn để toàn khu vực vượt qua khó khăn, thách thức, hướng tới những thành tựu mới", PGS.TS Vũ Tuấn Hưng bày tỏ.

Phát triển xứng đáng kỳ vọng của Tổng Bí thư

Tại buổi làm việc cuối ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sự trăn trở về những thách thức địa phương phải đối mặt trong quãng thời gian tiếp theo. Trong đó có những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Chỉ sau đó khoảng một tháng, Tổng Bí thư đã quyết liệt thúc đẩy và ký ban hành Nghị quyết 24 vào ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhận định, đây là nền tảng chủ trương, đường lối tạo khung thể chế quan trọng để phát triển vùng Đông Nam Bộ và các địa phương trong vùng trong giai đoạn mới.

Với tinh thần khẩn trương hoàn thiện chủ trương thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp hơn với bối cảnh mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị đã đôn đốc việc hoàn thiện một bản nghị quyết riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 30/12/2022, Tổng Bí thư đã ký ban hành Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Nghị quyết là văn bản quan trọng, định hình sự phát triển cho thành phố với nhiều cơ chế, khơi gợi và thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của thành phố mang tên Bác. Đây cũng là điều được ông gửi gắm tại buổi làm việc trực tiếp với Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 9/2022", PGS.TS Vũ Tuấn Hưng nói thêm.

Những bản nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị nêu trên đã thể hiện rõ tinh thần khai thông, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách để Thành phố Hồ Chí Minh đủ sức đương đầu với những khó khăn, thách thức cả bên ngoài lẫn nội tại. Từ đó, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã ra đời, hiện thực hóa những kỳ vọng này.

"Sau khoảng 2 năm thực hiện Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và hơn một năm triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Thành phố có sự chủ động nhiều hơn về quản trị, công tác cán bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng và phân phối thu nhập. Tất cả yếu tố trên tổng hòa thành một khí thế mới với đại đô thị lớn nhất ở phía nam của tổ quốc", vị chuyên gia nêu góc nhìn.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng bày tỏ, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát lớn, để lại niềm tiếc thương, nỗi buồn vô hạn đối với mỗi người dân Việt Nam và bè bạn quốc tế.

Dẫu vậy, những di sản, trăn trở, kỳ vọng, quyết sách của Tổng Bí thư để lại sẽ còn mãi, và chắc chắn trở thành nguồn động lực lớn để đất nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ vượt qua bất kỳ khó khăn, thách thức nào trong chặng đường dài tiếp theo.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là hành trang vững chắc để vùng đất phía nam của Tổ quốc tiếp tục phát triển đúng kỳ vọng của Tổng Bí thư từng mong đợi", ông Vũ Tuấn Hưng khẳng định./.

Báo Dân trí

Số lượng lượt xem: 25