title

BÁC HỒ NÓI VỀ NGÔN NGỮ Ở VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
Thứ bảy, 20/04/2024, 16:28 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Chủ tich Hồ Chí Minh không phải là nhà ngôn ngữ học, Người cũng không có những bài phát biểu riêng về những vấn đề ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số. Tuy vậy, trên cương vị một lãnh tụ Đảng và Nhà nước, trong hoạt động thực tiễn Người đã nhiều lần nói tới ngôn ngữ các dân tộc.

 

 

Tập hợp các ý kiến phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này ta thấy một hệ thống các luận điểm vừa cụ thể vừa sâu sắc, biểu hiện một tư tưởng nhất quán có tính chất chủ trương chính sách về ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số. Hệ thống ý kiến ấy tập trung vào giải quyết hai khía cạnh của cùng một vấn đề:

Một là, thái độ của cách mạng đối với ngôn ngữ các dân tộc.

Hai là, sự vân dụng ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngôn ngữ là một bộ phận trong toàn bộ tư tưởng của Người về vấn đề dân tộc. Quan điểm đó đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong xây dựng chính sách ngôn ngữ. Nguyên tắc cơ bản mà Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra là đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột, đồng thời làm cho các dân tộc “đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Nội dung giải phóng dân tộc bao gồm cả việc đấu tranh xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trên nền tảng tư tưởng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tôn trọng ngôn ngữ các dân tộc, trao cho ngôn ngữ dân tộc những chức năng xã hội mới, để từ đó nảy sinh nhu cầu sử dụng nó, do vậy nó phát triển thực sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Nước ta có nhiều dân tộc. Đấy là điểm tốt. Thường mỗi dân tộc có tiếng nói riêng”. Khẳng định một thực tế nước ta là một quốc gia đa dân tộc, nhiều ngôn ngữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gián tiếp đề cập đến mối quan hệ giữa các thứ tiếng và thái độ đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.

Từ nhận thức cho rằng: “Tiếng nói là thứ của cải lâu đời và vô cùng phong phú của dân tộc”, Người chủ trương tôn trọng tiếng nói của tất cả các dân tộc. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp trong sinh hoạt thường ngày, Người coi ngôn ngữ là công cụ của cách mạng, là phương tiện giáo dục, giác ngộ quần chúng để nâng cao cho đồng bào đời sống kinh tế và văn hóa, nhằm xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu. Người yêu cầu cán bộ phải biết tiếng dân tộc “Cán bộ đến công tác ở chỗ nào thì phải học tiếng chỗ ấy . Học tiếng dân tộc để nói chuyện cho đồng bào hiểu, để hoà mình với đồng bào.” Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn trọng tiếng dân tộc thì phải sử dụng tiếng dân tộc trong đời sống chính trị, sử dụng nó như một công cụ phục vụ cách mạng. Nói một cách khác, theo lối diễn đạt của ngôn ngữ học, là phát triển các chức năng xã hội của ngôn ngữ để cho ngôn ngữ hành chức trong mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của đời sống cách mạng người dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và nhân dân sử dụng ngôn ngữ. “Là thứ của cải lâu đời của dân tộc”, cho nên dùng tiếng dân tộc mới khơi gợi được những cảm xúc sâu xa trong lòng đồng bào, đồng bào mới hiểu và đồng cảm với cách mạng. Đến với đồng bào dân tộc mà không nói bằng tiếng dân tộc thì “không gây được tình cảm giữa cán bộ và quần chúng”.

Nếu như Lênin nhấn mạnh quyền của các dân tộc được sử dụng ngôn ngữ riêng của mình thì Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc dùng ngôn ngữ dân tộc ở vùng đồng bào dan tộc là đòi hỏi của cách mạng, là yêu cầu đối với cán bộ của Đảng và của nhà nước. Ngôn ngữ chỉ tồn tại và phát triển trong điều kiện con người có nhu cầu sử dụng nó, tức là trao cho nó những chức năng xã hội. Hồ Chủ tịch yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc trong đời sống chính trị, trong công cuộc cách mạng, về thực chất là hiện thực hóa quyền tự do phát triển ngôn ngữ của dân tộc, là tạo cơ hội cho các ngôn ngữ dân tộc hành chức. Ở đây chúng ta thấy ý thức hành động thực tiễn rất rõ rệt và sâu sắc.

Đánh giá ngôn ngữ dân tộc có tầm quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú ý đến những biện pháp cụ thể để cho ngôn ngữ các dân tộc hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Biện pháp hàng đầu là đưa ngôn ngữ dân tộc vào phục vụ sự nghiệp cách mạng, thắt chặt quan hệ giữa Đảng và quần chúng; tuyên truyền tổ chức quần chúng làm cách mạng, sử dụng ngôn ngữ dân tộc theo mục đích mưu cầu lợi ích của đồng bào dân tộc. Bằng ngôn ngữ dân tộc “nói những vấn đề thiết thực, có thể hiểu được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”

Trong nhiều bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tới việc xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hóa. Người coi các dân tộc có chữ viết riêng của mình là một điều tốt. Đặt chữ viết cho ngôn ngữ các dân tộc, xoá nạn mù chữ, nâng cao trình độ dân trí, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân là mục tiêu của các mạng. Nhưng xét về phương diện phát triển ngôn ngữ thì công việc đó lại chính là những biện pháp cụ thể làm cho ngôn ngữ mở rộng các chức năng xã hội, nhờ đó mà ngôn ngữ phát triển.

Tóm lại, trên nền tảng quan niệm về một nước Việt Nam thống nhất, đa dân tộc, trong đó các dân tộc bình đẳng về mọi mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tôn trọng các ngôn ngữ dân tộc và phát huy các chức năng của nó. Tiếng dân tộc là vốn quý, là phương tiện lưu giữ, phát triển các nền văn hóa riêng trong nền văn hóa đa dạng của nước Việt Nam đa dân tộc, là công cụ của Cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số.

Về cách vận dụng ngôn ngữ ở vùng dân tộc ít người, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những ý kiến rất cụ thể, chẳng những thể hiện tinh thần dân chủ hóa mà còn là những chỉ dẫn và kiểu mẫu về cách nói cách viết. Có thể tóm tắt những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành mấy luận điểm sau đây:

Ở vùng dân tộc nào thì sử dụng ngôn ngữ của dân tộc vùng đó. “Cán bộ đến công tác chỗ nào thì phải nói tiếng chỗ ấy”

Cách nói phải thay đổi cho phù hợp “với đời sống, trình độ, phong tục tập quán của đồng bào”; Phải nói sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và quyết tâm làm bằng được; Nội dung nói phải cụ thể, thiết thực (tr. 40,43,50) đúng lúc, đúng chỗ nhằm mưu lợi ích cho đồng bào và tránh tệ hại cho đồng bào; Xuất phát điểm của việc nói là nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào dân tộc.

Những luận điểm trên đây được khái quát hóa thành những câu hỏi giảm dị để cho mỗi nhà văn, nhà báo, mỗi cán bộ tuyên huấn phải xác định khi tiếp xúc với nhân dân: Nói cái gì? Nói cho ai? Nói để làm gì? Và nói như thế nào?

Toàn bộ những điều tóm tắt trên đây thực chất là sự diễn đạt giản dị những vấn đề có tính nguyên lý của sự vận dụng ngôn ngữ. Đó là những giải pháp xử lý một loạt những quan hệ giữa lời nói với những yếu tố trong và ngoài lời nói. Có thể thấy những giá trị sâu sắc trong các lời dạy của Người về hoạt động ngôn ngữ, xét trên bình diện xã hội.

Theo các hồi ký về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày còn ở Pác Bó, Cao Bằng người đã nói được tiếng Tày, Nùng và một số ngôn ngữ dân tộc khác. Điều đó không phải chỉ là tác phong không tách biệt giữa lãnh tụ và quàn chúng nhân dân mà còn là sự đảm bảo để cách mạng đến được với quần chúng.

Nội dung được phản ánh trong lời nói là những thực tế cụ thể liên hệ mật thiết với công việc và đời sống của đồng bào, nhờ vậy mà lời nói có sức thuyết phục . Trong những bài thơ tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm tại chiến khu Việt Bắc, lời thơ cũng hiện lên những hình ảnh quen thuộc với đồng bào. Chúng ta gặp ở đây con cáo và tổ ong, sợi chỉ, hòn đá, đồi cỏ xanh xanh, non xanh nước biếc... Từ những thực tế cụ thể ấy, Bác đưa đồng bào tới chân lý cách mạng: đoàn kết đồng lòng để đấu tranh thóat khỏi áp bức, nô lệ.

Lời nói ra là để cho người khác nghe. Do đó hình thành mối quan hệ giữa người nói và người nghe. Giải pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đối với việc xử lý mối quan hệ này là người nói phải “xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào dân tộc”. Điểm xuất phát là vậy nhưng đích đi đến lại là đồng bào dân tộc (người nghe). Muốn đồng bào dân tộc hiểu và đồng cảm thì người nói phải chú ý đến những đặc điểm riêng của người dân tộc nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đối với mỗi dân tộc phải có cách nói riêng bởi vì mỗi dân tộc, mỗi địa phương có trình độ, phong tục tập quán riêng. Ngày nay dưới ánh sáng của lý thuyết ngữ dụng học, chúng ta càng nhận thấy sự chính xác và sâu sắc của những ý kiến trên đây của Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý tới hiệu quả của lời nói. Người luôn luôn nhấn mạnh yêu cầu: “nói cho đồng bào hiểu, hiểu để làm”, nói cho thiết thực. Nêu lên những yêu cầu này về thực chất là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chức năng tác động của lời nói. “Nói tràng giang đại hải, nói trên trời dưới đất không đâu vào đâu cả” là điều không tốt. Người thường phê bình những cán bộ tuyên truyền theo kiểu lúc nào cũng trích Các Mác, trích Lênin làm cho đồng bào khó hiểu. Nói mà đồng bào không hiểu được là không nói được chủ nghĩa Mác - Lênin.

Cuối cùng còn mối quan hệ giữa lời nói và hoàn cảnh. Hoàn cảnh theo nghĩa rộng là tình hình và nhiệm vụ cách mạng, là nguyện vọng của quần chúng trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Hiệu quả của lời nói phụ thuộc vào mức độ phù hợp này. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “nói đúng lúc, đúng chỗ” cũng chính là yêu cầu lời được tạo ra phải phù hợp với hoàn cảnh nói năng.

Những mối quan hệ như trình bày trên đây chi phối việc vận dụng ngôn ngữ. Giải pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xử lý các mối quan hệ đó trong nói, viết thể hiện tinh thần dân chủ hóa ngôn ngữ trên nền tảng tư tưởng chung về sự bình đẳng đân tộc và lòng thương yêu đồng bào, thiết tha giải phóng đồng bào khỏi áp bức bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu. Phân tích những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số cũng như thực tiễn vận dụng ngôn ngữ của Người ta càng thấy nổi bật lên một tư tưởng nhất quán là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đó cũng là lòng ham muốn tột bậc của Người./.

Theo Báo Thái Nguyên

Số lượng lượt xem: 5