title

“Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh”
Thứ hai, 26/02/2024, 08:37 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Thư gửi nam nữ học viên Trường Y tá liên khu I; đăng trên báo Cứu quốc ngày 26 tháng 2 năm 1949. Trong thư, Bác căn dặn: “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sỹ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh”.

 

 

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua, thực hiện kháng chiến kiến quốc chống thực dân Pháp xâm lược, Người cho rằng, mỗi người y tá và tất cả mọi người làm ngành y, phải là một chiến sĩ trên mặt trận đánh “giặc ốm” nhằm bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, bảo vệ giống nòi cho tương lai của dân tộc.

Lời dạy “Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh” có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vừa nói lên vị trí, vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của những chiến sĩ y tá đối với sứ mệnh của Nhân dân, vừa khích lệ, động viên tinh thần chịu thương, chịu khó của mỗi y tá trong chăm sóc sức khỏe người bệnh. Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ y tá luôn đề cao trách nhiệm, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động khắc phục mọi khó khăn, vất vả, thương yêu, chăm sóc, điều trị bệnh nhân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lời dạy “Y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh” không những vẫn giữ nguyên giá trị, tiếp tục là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân mà còn là yêu cầu đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung, đội ngũ y tá nói riêng phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

____________

- Báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đang bị ốm phải điều trị tại một bệnh viện ở Pari và chúng thu thập được bức thư đề ngày 26/02/1921 được tác giả xác định: Hiện nay tôi vẫn còn ở trong bệnh viện và nằm trên giường viết lá thư này. Thư khuyên đồng bào nên đọc tờ “Le Libertaire” (Người Tự do) Mặc dù là tờ báo vô Chính phủ (anarchiste) những bài báo từ nghị luận đến bài diễn thuyết đều rất hay.

Nguyễn Ái Quốc phân tích một bài báo đăng trên tờ “Le Courrier d’ Haiphong” (Tin tức Hải Phòng) và cho rằng tuy nó đã viết rất tệ đối với chúng ta, nhưng phải công nhận là họ nói đúng. Nếu lúc nào chúng ta cũng cúi đầu thật thấp thì tránh sao được sự khinh thị của họ... Nếu tất cả mọi người đều làm những việc có ích cho Tổ quốc thì thiên hạ mới kính phục.

- Ngày 26/02/1947, Bác thảo điện mật gửi phái viên của Chính phủ tại Thanh Hóa yêu cầu nhanh chóng củng cố quyền lực của chính quyền ở 6 châu thượng du, đồng thời nhắc lãnh đạo tỉnh phải đăng lá thư “Gửi đồng bào thượng du”, động viên các vị quan lang và dân chúng để củng cố hậu phương vào thời điểm chiến tranh đang lan rộng.

Thư viết: “Trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, đồng bào thiểu số đã tỏ lòng nồng nàn yêu nước... Tôi nhận được nhiều thơ của đồng bào Thổ, Mường, Nùng, Mèo, Mán, vân vân, đều nói kiên quyết ủng hộ Chính phủ, kháng chiến đến cùng, chống giặc thực dân, để giữ gìn giang sơn đất nước... Tôi thay mặt Chính phủ, cảm ơn đồng bào, và trân trọng hứa rằng: Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, Tổ quốc và Chính phủ sẽ luôn luôn ghi nhớ những công lao của các đồng bào...”.

- Ngày 26/02/1959, tại lễ tiễn đưa Đoàn đại biểu Chính phủ ta sang thăm Inđônêxia, Bác nói: “Chắc rằng lúc chúng tôi trở về sẽ đem theo món quà quý báu tức là tình hữu nghị của nhân dân Inđônêxia đối với nhân dân ta” và căn dặn ở nhà đồng bào cùng Chính phủ tập trung chống hạn, phát triển kinh tế “nông nghiệp và công nghiệp như hai chân của một người. Nông nghiệp và công nghiệp có khỏe, kế hoạch mới hoàn thành. Muốn thế, phải có sức khỏe, muốn khỏe bây giờ phải trị và phòng bệnh cúm”. Khi quá cảnh tại thủ đô Miến Điện, Đoàn được Tổng thống quốc gia này đón tiếp một cách trọng thị.

ST&BT

Số lượng lượt xem: 31