title

“Xa xỉ thì nhiều bệnh, cần kiệm thì sống lâu”
Thứ hai, 04/03/2024, 08:49 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Trong bài viết với bút danh C.B được Báo Nhân dân, số 367 đăng ngày 4 tháng 3 năm 1955, nói về vấn đề sức khỏe, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối liên hệ giữa đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên với sức khỏe của nhân dân. Người coi trong đó đạo đức, lối sống là nhân tố rất quan trọng, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, nhất là khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta mới giành thắng lợi, miền Bắc bước vào giai đoạn khôi phục và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hết sức khó khăn, nền kinh tế lạc hậu, đội ngũ cán bộ chủ yếu chưa được đào tạo căn bản. Vì vậy, để đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện thống nhất nước nhà, bảo đảm cho nhân dân có sức khỏe tốt, có cuộc sống tốt đẹp, cần chú trọng trong công tác đào tạo và xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, quan tâm đến sức khỏe của nhân dân; cán bộ, đảng viên cần ra sức rèn luyện, phấn đấu, tránh những thói hư, tật xấu; nhân dân hăng say rèn luyện sức khỏe nâng cao tuổi thọ… Qua đó, cùng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp thống nhất nước nhà.

 

 

Để phòng chống căn bệnh “xa xỉ” thì phải chống lối sống vô độ, xa hoa lãng phí, ăn chơi trác táng, cục bộ, ích kỷ, vụ lợi, ham quyền lực, ham của cải làm giàu bất chính, sống hưởng thụ, không chăm chỉ làm việc. Đối với đồng chí, đồng đội, không được kèn cựa, địa vị, gây mất đoàn kết; đối với nhân dân thì không được quan liêu, sách nhiễu, xa rời hoặc dân chủ giả tạo; không mải lo lợi ích cá nhân, gia đình mà quên hết lợi ích của Đảng, của dân; cơ hội, thực dụng, vụ lợi, tham nhũng, nói không đi với làm, làm trái với chủ trương, chỉ thị nghị quyết của Đảng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút ý chí chiến đấu, mơ hồ hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… Đồng thời, phải “cần kiệm”, tức là phải cần cù, siêng năng với tinh thần tự lực; không xa hoa, lãng phí; xây dựng một lối sống chuẩn mực và đạo đức cách mạng trong sáng. Có như vậy mới tránh được những thói hư tật xấu, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng, để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

__________

- Ngày 04/3/1928, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Béclin - Thủ đô nước Đức đã được cơ quan giao thông bí mật của Quốc tế Cộng sản bố trí gặp một số đồng bào tại trụ sở Liên minh Phản đế trên đường từ Pháp qua Liên Xô.

18 năm sau, Chủ tịch Chính phủ Kháng chiến mới được thành lập sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I chủ trì phiên họp đầu tiên để soạn thảo Tuyên ngôn của Chính phủ, xác định chính sách ngoại giao và quyết định lập một tiểu ban soạn thảo đối sách trong đàm phán với Pháp do Chủ tịch Nước đứng đầu. Ngay buổi chiều hôm đó, Bác cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam đã thông báo với Chính phủ kết quả thăm dò đại diện Trung Hoa và Hoa Kỳ về chủ trương đàm phán với Pháp. Cũng trong ngày, Bác còn tiến hành các cuộc tiếp xúc với đại diện Pháp G.Xanhtơni và với giới báo chí.

Đó là một ngày với những nỗ lực ngoại giao phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm điều hòa những quyền lợi của các thế lực trong nước cũng như quốc tế có liên quan, để tìm một giải pháp hòa bình tránh bùng nổ xung đột bảo đảm cho nền độc lập của quốc gia non trẻ. Về đêm, rạng ngày 05/3/1946, tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi nguy cơ đụng độ quân sự giữa Pháp và Tưởng tại Hải Phòng đang trở thành điều khó tránh. Bác và Thường vụ Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình và bàn việc ứng phó một khi xung đột quân sự giữa các thế lực nước ngoài bùng nổ.

Nhưng chỉ một năm sau, ngày 04/3/1947, vị Chủ tịch Chính phủ Kháng chiến đã trên đường hành quân rời vùng đất Sơn Tây qua bến phà Trung Hà để di chuyển căn cứ địa sang đất Phú Thọ. Ngày 04/3/1950, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân tới Bắc Kinh để tiếp xúc với các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

- Ngày 04/3/1952, Bác Hồ gặp gỡ các chiến sỹ thi đua công nông binh toàn quốc họp đại hội và căn dặn: “Các cô, các chú cũng như Bác không phải làm quan mà là làm đầy tớ cho dân. Đầy tớ làm sai thì phải phê bình. Như thế là dân chủ. Dân chủ là phê bình thật thà”. Trên Báo Cứu Quốc ra cùng ngày, với bút danh “Đ.X”, Bác viết bài “Kính chúc các cụ nghìn tuổi” giới thiệu chính sách quan tâm đến người cao tuổi ở Liên Xô và đề nghị các địa phương nào có các cụ thọ trên dưới 90 tuổi thì qua tờ báo của Mặt trận báo cho người đứng đầu Chính phủ biết.

- Ngày 04/3/1969, Bác gửi điện tới Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đánh giá: “Dân tộc ta có thể tự hào là một dân tộc anh hùng, trước hết là do toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược... Sự ra đời và những hoạt động tích cực của Liên minh... do Chủ tịch lãnh đạo là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”.

ST&BT

Số lượng lượt xem: 20