title

“Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vứt nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”
Thứ ba, 13/02/2024, 12:55 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), ngày 13/2/1962 sau khi Người nhận được thư chúc tết của đồng bào xã Nam Liên. Đây là thời kỳ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Do vậy, phát triển nông nghiệp trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ là vấn đề được Hồ Chí Minh rất quan tâm.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của tư tưởng bảo thủ. Người ví nó như một sự trói buộc, ngăn cản sự tiến bộ của con người. Mặt khác, Người đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩa dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù được viết trong thư gửi một địa phương cụ thể, nhưng đã toát lên được tư tưởng đổi mới, sáng tạo của Người. Nó có sức cố vũ cán bộ và nhân dân xã Nam Liên nói riêng, và đồng bào cả nước nói chung tích cực phấn đấu, nêu cao sáng kiến trong lao động, sản xuất, học tập, công tác cũng như chiến đấu. Lời dạy của Người đã tạo nên phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp và công nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

___________

- Ngày 13/02/1930, Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử là tổ chức thành công cuộc hợp nhất giữa các tổ chức cộng sản ở Việt Nam và hải ngoại thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Hai thập kỷ sau, ngày 13/02/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về việc sử dụng đất vắng chủ trong thời kỳ kháng chiến để từng bước cấp cho những người nông dân nghèo không có ruộng đất.

- Ngày 13/02/1958, Bác Hồ kết thúc cuộc viếng thăm lịch sử nước Cộng hòa Ấn Độ, trước khi rời thành phố Cancútta để lên đường thăm Miến Điện, Bác đến thăm Hội “Mahabodi”, một tổ chức Phật giáo có tiếng ở Ấn Độ, sau khi lễ Phật, Bác dự buổi mít tinh do các Phật tử tổ chức. Lời chào mừng của người đứng đầu tổ chức này đã đánh giá: “Như một vị ẩn sĩ chân chính, Chủ tịch đã hy sinh suốt đời cho nhân dân và Tổ quốc Ngài; Chủ tịch đã từ bỏ những hào nhoáng lộng lẫy của địa vị Chủ tịch một nước. Cũng như Hoàng đế Asoka, một vị Phật tử đầy lòng hy sinh, Chủ tịch đã nêu cao trước thế giới một lý tưởng mà chỉ có thể thực hiện bởi một người có đầy lòng tin tưởng...”. Còn trong diễn văn của ông Thị trưởng thành phố Cancútta nơi đón tiếp và tiễn đưa Bác sau 10 ngày thăm Ấn Độ, đã ca ngợi: “Cũng như người Cha vĩ đại của dân tộc chúng tôi là Thánh Găngđi, Ngài là biểu hiện của một đời sống giản đơn, thanh cao và khắc khổ. Chúng tôi hết lòng cầu với Thượng đế rằng cuộc thăm viếng lịch sử của Ngài đến đất nước này, sẽ đúc nên những sợi dây chuyền vàng bằng hữu nghị để thắt chặt hai dân tộc chúng ta trong tình nghĩa anh em chói lọi”. Còn Thủ tướng G.Nêru (J.Nerhu) thì khẳng định: Hồ Chủ tịch là một nhà đại cách mạng phi thường trong thời đại này. Người luôn luôn giải quyết những vấn đề khó khăn với nụ cười trên môi.

- Ngày 13/02/1960, Báo Nhân Dân đăng bài “Cái vũng trôn ốc” (ký C.K) nhấn mạnh đến “quan điểm của Lê-nin: “Phân tích cho đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất cho sự thắng lợi của trật tự xã hội mới. Chúng ta cần suy nghĩ nhiều về lời dạy đó trong công việc hàng ngày của mình”.

- Ngày 13/02/1961, Bác Hồ đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và đặc biệt quan tâm tìm hiểu mặt trống đồng Đông Sơn.

- Ngày 13/02/1964 là ngày mồng Một Tết Giáp Thân, Bác vẫn có lời thơ chúc mừng năm mới:

Bắc Nam như cội với cành

Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng

Rồi đây thống nhất thành công

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà

Mấy lời thân ái nôm na

Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân.

- Ngày 13/02/1969, Bác đón các cháu trong đoàn thiếu niên dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc và tiếp bà Menba Hộcnađê (Menba Hernadez), Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam. Với bà Menba Hộcnađê, ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Là hình ảnh tổng hợp của một nhà cách mạng đấu tranh không biết mệt mỏi vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, một người khiêm tốn và giản dị, một nhà thơ nhạy cảm và sâu sắc, có khả năng nói lên những tình cảm trong sáng nhất của con người...”.

Sưu Tầm

Số lượng lượt xem: 19