title

“Toàn thể đảng viên và cán bộ từ Nam đến Bắc, bất kỳ mới, cũ, bất kỳ ngành nào, bất kỳ trong quân đội hay là ở địa phương, bất kỳ ở nông thôn hay là ở thành thị, phải đoàn kết chặt chẽ, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của mình; phải thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ”
Thứ ba, 12/03/2024, 17:25 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Đoạn trích trên là một phần nội dung bài phát biểu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phiên Bế mạc Hội nghị lần thứ bảy (khóa II) mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 12 tháng 3 năm 1955. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh “nước ta tạm thời chia ra hai miền, miền Bắc chưa củng cố, miền Nam đang ở trong tình trạng khó khăn, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chúng gây ra nạn di cư, ta thì gặp nạn đói kém, Miên và Lào gặp khó khăn, tình hình thế giới gay go”. Do vậy, yêu cầu đặt ra lúc này là phải đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình. “…Toàn thể đảng viên và cán bộ từ Nam đến Bắc, bất kỳ mới, cũ, bất kỳ ngành nào, bất kỳ trong quân đội hay là ở địa phương, bất kỳ ở nông thôn hay là ở thành thị, phải đoàn kết chặt chẽ, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của mình; phải thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ”. Vấn đề xây dựng, củng cố mối đoàn kết thống nhất trong Đảng là một nguyên tắc bất biến. Khi nào Đảng ta thực hiện tốt việc đoàn kết, thống nhất nội bộ, thì khi đó có đường lối, quan điểm lãnh đạo cách mạng đúng đắn, sáng suốt.

 

 

Đặt trong bối cảnh tình hình xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nội dung phát biểu bế mạc của Bác Hồ tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy vẫn mang tính thời sự, nóng hổi. Trên thực tế, Đảng ta luôn kiên định thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng theo nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

___________

- Ngày 12/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân thành Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam. Mặc dầu cả nước có chiến tranh nhưng Chủ tịch Nước Việt Nam kháng chiến vẫn chuẩn bị cho tương lai khi ra Sắc lệnh số 29 với 10 chương và 187 điều quy định mối quan hệ giữa chủ người Việt hay nước ngoài với công dân Việt Nam làm việc tại các nhà máy, hầm mỏ, thương điếm và cả các nghề tự do.

- Ngày 12/3/1951, trên đường từ Trung Quốc trở về nước, qua tỉnh Hồ Bắc của bạn, Bác làm bài thơ chữ Hán “Quá Hồ Bắc”:

“Ngã khứ điền gian đô bạch tuyết,

Ngã lai điền mạch dĩ thanh thanh.

Minh thiên cơ giới thế mộc giới,

Ức triệu nông gia lạc thái bình”.

Bản dịch của Phan Văn Các:

Đồng ruộng khi đi đầy tuyết trắng,

Nay về lúa mạch đã xanh xanh,

Ngày mai cày máy thay cày gỗ,

Ức triệu nhà nông hưởng thái bình.

- Ngày 12/3/1965, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về âm mưu của Mỹ và đối sách của ta, Bác đã phát biểu nhiều ý kiến quan trọng (được ghi trong biên bản): Mỹ đã nói đến việc mở rộng chiến tranh từ tháng 02/1964 mà chúng ta nghiên cứu còn yếu. Phải có quyết tâm từ Bắc chí Nam, phải coi là trận sống còn (một là chết hai là thắng lợi). Phải tính đến hoàn cảnh thật gay gắt, địch sẽ dùng cả không quân và hải quân nên phải đề phòng sự dao động nghiêng ngả. Phải tăng cường tổ chức và tiềm lực. Phòng không nhân dân phải chú ý giải quyết đời sống của những gia đình khó khăn. “Các cháu bé quý hơn nhà máy”. Cách sống còn hòa bình, phải chuyển miền Bắc sang “nửa chiến tranh”. Về ngoại giao: Cần nghĩ trước việc vận động mở lại Hội nghị Giơnevơ để tranh thủ dư luận đồng thời nên tổ chức tuyên truyền chống chiến tranh ở nhiều nước, tổ chức quốc tế. Trong chiến tranh chống Mỹ, phải vừa kiên quyết vừa khéo léo. Lúc nào Mỹ muốn đi thì tạo điều kiện cho Mỹ rút.

Chỉ một năm sau, Mỹ đã mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, trực tiếp đưa bộ binh vào tác chiến ở miền Nam, ngày 12/3/1966, Bác họp Hội nghị Bộ Chính trị nghe báo cáo tình hình chiến sự, đồng ý kế hoạch tuyển quân và đề nghị không tuyển người đứng tuổi, con em những gia đình đã có nhiều con vào bộ đội, những người có trình độ cao còn cần cho các ngành kinh tế.

- Vào tháng 3/1948, trả lời nhà báo nước ngoài, Bác bày tỏ quan điểm về chiến tranh: “Dù phải hy sinh và cực khổ mấy, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng quyết kháng chiến đến cùng để tranh kỳ được thống nhất và độc lập thực sự... Nhân dân Việt Nam đã nếm đủ sỉ nhục và đau khổ. Nhân dân Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ lần nữa... Nếu thực dân Pháp vẫn khư khư giữ chặt tham vọng cũ thì chúng sẽ thất bại. Chính nghĩa bao giờ cũng thắng!”. Có thể thấy, trong cả hai cuộc kháng chiến, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhất quán!

ST&BT

Số lượng lượt xem: 20