title

“Theo đúng đường lối thì đi đến nơi, về đến chốn...”
Thứ năm, 22/02/2024, 08:21 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Đường lối chung của Đảng và Chính phủ ở nông thôn”. Năm 1957, khi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta ở miền Bắc bắt đầu những bước đi đầu tiên, nên cần phải đi cho đúng, đặc biệt là ở nông thôn, phải xác định những bước đi phù hợp.

 

 

Lời nói trên của Bác có ý nghĩa rất lớn, khẳng định tầm quan trọng của đường lối cách mạng trong tập hợp, dẫn dắt quần chúng nhân dân. Đi theo đúng đường lối của Đảng thì sẽ đến thành công, sẽ phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng; đồng thời, qua đó cũng nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên nếu xác định sai đường lối, đi sai đường lối thì sẽ không tập hợp được quần chúng nhân dân, thậm chí dẫn đến thất bại. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân ta nói chung, đội ngũ cán bộ nói riêng luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng, đường lối của Đảng; ra sức học tập, lao động sản xuất và công tác theo nhiệm vụ, chức trách để hiện thực hóa đường lối của Đảng vào cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng nâng cao, song lời dạy “Đường lối là để mà đi. Theo đúng đường lối thì đi đến nơi, về đến chốn…” vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh việc thực hiện thắng lợi đường lối chính trị, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời, là phương châm chỉ đạo, để đội ngũ cán bộ, dù ở cương vị nào cũng phải là người đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Đặc biệt, phải coi trọng tuyên truyền đúng và hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng, thì công việc sẽ suôn sẻ và đi đến thành công.

____________

- Ngày 22/02/1925, Cụ Phan Bội Châu viết thư nhờ Hồ Tùng Mậu chuyển cho Lý Thụy (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) lúc này đang hoạt động tại Quảng Châu. Trong thư, nhà ái quốc lão thành đã thành tâm đưa ra những lời đánh giá khích lệ: Đọc thư mới biết là học vấn, trí thức của cháu nay đã tăng trưởng quá nhiều, không phải như hai mươi năm trước... Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Nhận được liên tiếp hai bức thư của cháu bác vừa buồn lại vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh ban mai. Cháu học vấn rộng rãi đã từng đi nhiều nơi hơn bác cả chục, cả trăm lần. Tri thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của Bác.

Cũng trong tháng 02/1925, báo “Le Paria” (Người cùng khổ) đăng bài “Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Đông, Varen và Đông Dương”. Bài báo phân tích lý do một đảng viên Đảng Xã hội là Varen sang làm Toàn quyền Đông Dương là nhằm ngăn không cho người bản xứ nghe lời người và ru ngủ dân bản xứ bằng hứa hẹn hàng đống những cải cách.

- Tháng 02/1945, Mặt trận Việt Minh xuất bản sách “Phép dùng binh của ông Tôn Tử” do Hồ Chí Minh dịch. Trong lời giới thiệu dịch giả lưu ý: “Ông Tôn Tử là một người quân sự có tiếng nhất ở Trung Quốc. Ông sinh hơn 2000 năm trước. Nguyên tắc của Tôn Tử chẳng những dùng về quân sự đúng, mà dùng về chính trị cũng rất hay”.

- Tháng 02/1945, cũng là thời gian Hồ Chí Minh được tướng của quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng Trương Phát Khuê cấp giấy phép đi lại trên vùng Vân Nam - Trung Quốc. Trong bộ quân phục Trung Hoa, Bác tiếp xúc với nhiều lực lượng chính trị Trung Hoa và Việt kiều, đồng thời cũng tìm cách tiếp cận với lực lượng Đồng Minh đang đặt bản doanh ở Côn Minh.

- Ngày 22/02/1952, Bác thăm Đại đoàn Pháo binh 351 đang trú quân và huấn luyện tại tỉnh Tuyên Quang, trong lời thăm hỏi, Bác nêu tư tưởng: “Muốn thắng địch phải đưa pháo đi xa, khiêng, kéo pháo vào gần địch mà bắn trăm phát trúng cả trăm thì đồn nào mà không hạ được”.

- Bác dự kỳ họp của Bộ Chính trị khai mạc ngày 22/02/1963 (họp từ ngày 22 đến ngày 26) bàn về việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và phát biểu vì sao kế hoạch năm nào cũng phải điều chỉnh: “Có phải mình chủ quan và tham quá không? Chủ trương đúng, nhưng chỉ đạo chưa tốt, đó cũng là một loại mất cân đối. Khi bàn, mình thường không bàn toàn diện. Ra trận, diễu binh, cũng phải dàn ra xem thiếu những thứ gì. Trong lãnh đạo kinh tế cũng phải làm như thế, phải liệu bò làm chuồng, liệu cơm gắp mắm. Công nghiệp phải nhìn xa, nhưng lại phải xem xét cụ thể, tính toán chu đáo... Trong xây dựng thì phân tán, cái gì cũng muốn làm. Cần phải tập trung vào những cái gì quan trọng... Phải chú ý tới con người, vì con người rất quan trọng... Mục tiêu kế hoạch phải nêu rõ vấn đề cải thiện dân sinh”.

ST & BT

Số lượng lượt xem: 20