title

“Thanh niên là một cái nguồn vô tận, từ nguồn ấy mà chúng ta đào tạo những cán bộ tốt cho hiện tại và tương lai của nước nhà”
Thứ ba, 09/01/2024, 10:35 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

“Thanh niên là một cái nguồn vô tận, từ nguồn ấy mà chúng ta đào tạo những cán bộ tốt cho hiện tại và tương lai của nước nhà” là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài "Thanh niên nông dân", đăng trên báo Nhân dân, số 159, từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 1 năm 1954, trong bối cảnh, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp của dân tộc ta giành được nhiều thắng lợi lớn; lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng; trong đó, lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và lực lượng dân công với đại đa số là thanh niên nông dân.

 

 

Qua lời của Bác, chúng ta thấy Người nhận rõ đặc điểm và thế mạnh của lực lượng thanh niên Việt Nam, chủ yếu là con em của nông dân, bị phong kiến, địa chủ áp bức, bóc lột tàn tệ..., nhưng họ có lòng yêu nước nồng nàn, nhiệt tình cách mạng, cần cù chịu khó, cần phải tổ chức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thành những cán bộ tốt đế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong hiện tại và trong tương lai của nước nhà.

Lời huấn thị của Người không chỉ đặt ra yêu cầu và định hướng cho các tổ chức đảng, các cấp, các ngành phát động phong trào, tổ chức giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, nhất là thanh niên nông dân, mà còn khơi dậy tinh thần nhiệt huyết cách mạng, hăng hái thi đua học tập, huấn luyện, rèn luyện, tích cực đóng góp sức mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hiện nay, lời nói của Chủ tịch Hồ Chi Minh vẫn nguyên giá trị; được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào đường lối cách mạng trong tình hình mới; chủ trương xây dựng chiến lược phát triến nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực với những giải pháp đồng bộ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Thấm nhuần lời của Người, thanh niên Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, ham hiểu biết, phấn đấu tự mình nâng cao trình độ về mọi mặt, say mê sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

__________

- Ngày 09/01/1921, Nguyễn Ái Quốc lúc này đã tham gia sáng lập và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nhưng vẫn đi cùng Phan Châu Trinh đến dự một cuộc họp do Chi bộ của Đảng Xã hội lúc này đã tham gia phân bộ Xã hội Cách mạng của Quốc tế III. Điều đó cho thấy sự phân hoá của tổ chức mà trước đó Nguyễn Ái Quốc đã từng tham gia là Đảng Xã hội cũng như mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với những xu hướng tích cực của tổ chức này vẫn được duy trì.

- Ngày 09/01/1923, Báo “L’Humanité” (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp đăng bài “Vực thẳm thuộc địa” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo tố cáo giới thực dân một mặt khai thác thuộc địa và bóc lột dân bản xứ một cách thậm tệ để làm giàu không phải chỉ cho nước Pháp mà cho chính bọn chúng. Trong khi đó thì chúng lại yêu cầu chính quốc phải đầu tư nhiều tỷ đồng cho các thuộc địa. Như vậy, thực chất là chúng bòn rút chính nhân dân Pháp để phục vụ vào những việc làm lãng phí, xa xỉ, nơi bộ máy quan liêu và ăn bám. Tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng với những con số thuyết phục trong đó có cuộc Triển lãm Thuộc địa vô cùng tốn kém đang diễn ra ở nước Pháp. Đây là thời điểm Nguyễn Ái Quốc có rất nhiều bài viết đăng trên nhiều tờ báo tố cáo chế độ thực dân mà sau này là chất liệu để sau đó không lâu đã hình thành tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procốs de la Colonisation franônaise) nổi tiếng.

- Ba ngày sau cuộc Tổng tuyển cử, ngày 09/01/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 3 về việc triệu tập Quốc hội vào ngày Chủ nhật 03/3/1946. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, một Ủy ban trù bị khai mạc Quốc hội gồm các nhà trí thức có danh tiếng đương thời như Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Dương Đức Hiền…

- Hồ sơ trong các cơ quan lưu trữ còn bảo tồn được bức thư Bác viết ngày 09/01/1947 gửi người đồng chí gần gũi trong Văn phòng của mình là Hoàng Hữu Nam tức Phan Bùi trong đó nhắc Bộ Nội vụ cho đăng báo bài “Lời kêu gọi những người có văn hóa đăng ký phục vụ Tổ quốc”. Rất tiếc văn kiện này đến nay vẫn chưa sưu tầm được, nhưng chủ đề của lời kêu gọi cho thấy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đoàn kết và phát huy đóng góp của tầng lớp trí thức “người có văn hóa” cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, điều mà người đứng đầu nước đó nhiều lần đề cập.

- Ngày 09/01/1952, Báo Cứu Quốc dưới bút danh “Đ.X” trong bài viết: “Thanh niên oanh liệt” Bác bày tỏ cảm xúc và ca ngợi tinh thần một học sinh tên là Nguyễn Quốc Ân đã chấp nhận bị tra tấn và hy sinh khi bị buộc phải viết bài văn “So sánh Hồ Chí Minh với Quốc trưởng Bảo Đại” tại một trường ở vùng tạm bị chiếm thuộc tỉnh Hưng Yên, trong đó không chịu bôi nhọ lãnh tụ. Kết luận bài báo tác giả viết: "Một dân tộc có con cháu như vậy là một dân tộc chắc chắn thắng lợi".

G. M Sưu tầm

Số lượng lượt xem: 30