title

“Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước”
Thứ tư, 28/02/2024, 09:38 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích ở bài nói chuyện trong buổi bế mạc Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, ngày 28 tháng 2 năm 1957. Đầu năm 1957, miền Bắc hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội được hơn 2 năm, công tác văn nghệ cũng đã có bước phát triển mới và thành tựu mới, đến dự với Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 Bác đã phát biểu: “Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước”.

 

 

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ khẳng định tầm quan trọng của tự phê bình, phê bình, của đấu tranh đối với đoàn kết, thống nhất trong mỗi tổ chức, mỗi người nói chung, đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ nói riêng phải luôn đề cao ý thức phê bình, ý thức đấu tranh để xây dựng, củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong mỗi cơ quan, đơn vị, ngành mình. Đồng thời, phải nhận thức sâu sắc đấu tranh, phê bình và tự phê bình chính là quy luật, động lực của sự phát triển. Đấu tranh, phê bình phải thật thà, trung thực, không lợi dụng phê bình để trù dập lẫn nhau. Đấu tranh, phê bình để đi đến thống nhất, đoàn kết hơn, cùng nhau phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá để vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, lời dạy “Thẳng thắn tự phê bình và thật thà phê bình tức là đoàn kết mà đấu tranh và do đấu tranh đó đã đi đến đoàn kết hơn trước" vẫn giữ nguyên giá trị, không những là tư tưởng chỉ đạo mà còn là yêu cầu đòi hỏi các tổ chức đảng, đoàn thể cách mạng phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất như giữ gìn con ngươi của mắt mình, phải tích cực đấu tranh, tự phê bình và phê bình, tự phê bình và phê bình có tình thân ái, phải đúng người, đúng việc, phải thật thà trung thực để đi đến đoàn kết và phát triển ngày càng tốt hơn.

___________

- Ngày 28/02/1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Anh đề nghị gửi cho mình các tờ báo cánh tả kèm theo cả mấy tờ báo cánh hữu, báo “tư sản để che mắt và ứng phó “nếu cảnh sát thấy rằng chúng tôi nhận các báo chí “lật đổ”.

Cùng ngày, trong thư gửi “Các đồng chí Liên Xô”, Nguyễn Ái Quốc cho biết sẽ viết cuốn sách tiếng Việt “Những kỷ niệm về cuộc du lịch của tôi” được giới thiệu là sẽ “sinh động, hấp dẫn, dễ đọc và có nhiều mẩu chuyện” kèm theo một đề cương khá chi tiết. Đây chính là những ý tưởng của tác phẩm “Nhật ký chìm tàu” ra đời vào cuối năm đó (1930) với nội dung giới thiệu những đổi thay trên đất nước của Lê-nin.

- 16 năm sau, ngày 28/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ để bàn về những việc cấp bách của công cuộc xây dựng xã hội mới và buổi chiều hôm đó, dự họp liên tịch giữa các đảng phái để bàn chương trình ra mắt Chính phủ Liên hiệp tại Quốc hội.

- Ngày 28/02/1949, trả lời tờ “France Soir” (Nước Pháp buổi chiều) về việc Bảo Đại ký Thỏa ước Hạ Long với Pháp để thiết lập Chính phủ bù nhìn, Bác khẳng định: “Chỉ có độc lập thật sự và thống nhất thật sự mới có thể làm thỏa mãn nguyện vọng Việt Nam” và bác bỏ khả năng có thỏa uớc với Bảo Đại: “Trong một nước, làm gì có thỏa ước giữa một tư nhân công dân với Chính phủ do toàn dân cử ra!”.

- Ngày 28/02/1959, phát biểu chào mừng tại Quốc hội Inđônêxia, Bác nói: Lịch sử 2 nước chúng ta chứng tỏ rằng: Đoàn kết toàn dân là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi của chúng ta. Sự đoàn kết Á - Phi cũng là yếu tố quan trọng để chiến thắng chủ nghĩa thực dân đế quốc và nhắc lại phát biểu của Tổng thống Xucácnô khi thăm Việt Nam là: Những quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Inđônêxia và nhân dân Việt Nam sẽ đời đời bất diệt nhờ những điểm giống nhau căn bản: Đó là bảo vệ hoà bình thế giới và chủ quyền dân tộc.

- Trong bức điện ngày 28/02/1962 gửi Đại hội Liên hoan Thanh niên Thế giới lần thứ 8 họp tại thủ đô Phần Lan Henxinki, Bác viết: “Cuộc Đại hội liên hoan thế giới tạo thuận lợi cho hàng ngàn thanh niên các nước khác nhau tiếp xúc hiểu biết và thương yêu nhau hơn..., Đại hội liên hoan giúp thanh niên thống nhất lại lực lượng để đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa thực dân vì độc lập dân tộc, vì tình hữu nghị, vì sự hợp tác và hòa bình thế giới.

Mục tiêu của các bạn là cao quý.

Lực lượng của các bạn là vĩ đại.

Tương lai các bạn là rực rỡ”.

- Ngày 28/02/1969, tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng do Bác sĩ Phùng Văn Công dẫn đầu, Bác tâm tình: “Tôi hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt, thì nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi xin phép chỉ nói một câu thôi:

“Bao giờ Nam - Bắc một nhà,

Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”.

ST&BT

Số lượng lượt xem: 13