title

“Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn”
Thứ năm, 25/01/2024, 14:24 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Đó là lời trong Bài "Tết trồng cây" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên Báo Nhân dân, số 3228, ngày 27-1-1963; vào thời điểm, các địa phương trên cả nước đang sôi nổi chuẩn bị Tết trồng cây, với khí thế tinh thần và trách nhiệm rất cao; trong đó nổi bật là Đoàn Thanh niên Lao động ở 10 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh, v.v) đã quyết tâm nhận trách nhiệm làm đội quân chủ lực đi đầu trong phong trào Tết trồng cây.

 

 

Hồ Chủ tịch đã nêu rõ tác dụng của việc trồng cây "tốn kém ít mà ích lợi nhiều"; ghi nhận, biểu dương công tác chuẩn bị Tết trồng cây của các địa phương trong ngày đầu năm mới đã có nhiều tiến bộ so với những năm trước; đồng thời nhắc nhở, chỉ rõ cho cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành: Phải có kế hoạch thật chu đáo; cần động viên lực lượng quần chúng rộng rãi tham gia trồng cây ở tất cả các nông trường, xí nghiệp, cơ quan, bộ đội, trường học...; cần làm cho mọi người, nhất là làm cho các em nhi đồng biết bảo vệ tốt cây xanh; quan tâm chăm sóc, sửa sang làm cho cây ngày càng tươi đẹp hơn; tăng cường kiểm tra đánh giá cụ thể; thường xuyên phát huy tốt vai trò của các chi bộ và chi đoàn thanh niên trong lãnh đạo, chỉ đạo, để Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn đối với nước nhà.

Thực hiện lời dạy của Người, để Tết trồng cây đi vào chiều sâu và có ý nghĩa thiết thực, các địa phương, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, vận động cán bộ, nhân dân, bộ đội, thanh niên, học sinh hăng hái tham gia trồng cây, gây rừng, nhất là ở những nơi đất trống, nơi công sở, trường học, doanh trại đơn vị quân đội, tạo thành phong trào tự giác, sôi nổi, rộng khắp trong cả nước; trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ tài nguyên rừng.

Trong giai đoạn hiện nay, lời căn dặn về "Tết trồng cây" của Bác Hồ càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh đất nước ta đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu; hơn nữa hiện nay vẫn còn một số nơi chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, hiệu quả của "Tết trồng cây", đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tốt hơn nữa "Tết trồng cây", theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để càng làm sáng ngời nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

___________

- Ngày 24/01/1931, giữa lúc cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang dâng cao ở Việt Nam, thì ở nước Nga, Nguyễn Ái Quốc viết văn kiện “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”. Bài viết biểu dương cao trào đấu tranh của công, nông, lên án tội ác thực dân, phong kiến và kêu gọi: “Nhiệm vụ cấp thiết của giai cấp vô sản thế giới - đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp - là chìa bàn tay hữu nghị anh em và giúp đỡ tới Đông Dương, để chứng tỏ tình đoàn kết thực sự và tích cực của họ, Đông Dương bị áp bức và cách mạng cần điều ấy!”.

16 năm sau, ngày 24/01/1947, tức là 30 Tết Âm lịch, Bác viết riêng một bức “Thư chúc Tết đồng bào và chiến sỹ Nam bộ”. Để đả phá luận điệu tuyên truyền của thực dân rằng nếu thống nhất thì những người theo Pháp sẽ bị khủng bố; người Nam sẽ bị người Bắc cai trị; Chính phủ chỉ toàn Việt Minh, bức thư nêu rõ: “... Một dân tộc đã tự cường, tự lập, dân chủ cộng hòa thì không làm những việc nhỏ nhen, báo thù báo oán... Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ làng xã đến toàn quốc những người chức trách đều do dân cử ra. Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đầy tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài... Trong Chính phủ có đủ những người các đảng phái, như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Đảng Quốc dân, Đồng minh hội, lại có những người không thuộc đảng phái nào. 5 vị Bộ trưởng và Thứ trưởng là những người quê quán ở Nam bộ... Sự thật là rất giản đơn như thế, mong đồng bào hiểu rõ, chớ mắc lừa bọn thực dân”.

- Ngày 24/01/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Nha Bình dân học vụ, thông báo việc Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến cho phong trào xóa nạn mù chữ. Trong thư, Bác biểu dương: “Từ ngày nhân dân ta nắm chính quyền đến nay, 13 triệu nam, nữ đồng bào đã được học, đã biết chữ. Đó là một thắng lợi vẻ vang, to lớn.

Nhưng chúng ta phải cố gắng nữa, phải làm thế nào cho trong một thời gian gần đây, tất cả đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều biết đọc biết viết. Ngày ấy mới là hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận diệt giặc dốt”.

- Ngày 24/01/1963, là ngày 29 Tết Quý Mão, buổi sáng vị nguyên thủ quốc gia đã “vi hành” thăm chợ Đồng Xuân. Trong bộ quần áo gụ đã bạc màu, ngoài khoác áo mưa vải bạt, cổ quàng khăn len, mắt đeo kính trắng và chân đi dép cao su, Bác cùng 2 cảnh vệ đi thăm cảnh đồng bào sắm Tết. Tối hôm ấy, Bác lại đi thăm và chúc Tết một số nơi trong đó có gia đình Bác sĩ Hồ Đắc Di.

- Ngày 24/01/1966, Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh ngoại giao và các phương án chọn nơi tiến hành đàm phán Việt - Mỹ. Tại cuộc họp này, Bác tiên liệu: “Mỹ có thể sẽ lại ném bom miền Bắc, thậm chí cả Hà Nội, Hải Phòng. Vì vậy không được chủ quan”. Dự báo sớm ấy đó giúp quân dân ta chủ động phòng chống giặc thắng lợi.

ST

Số lượng lượt xem: 19