title

“Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi. Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy”
Thứ ba, 26/03/2024, 11:20 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Câu nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Báo cáo chính trị tại Hội nghị Chính trị đặc biệt diễn ra từ ngày 27 đến ngày 28 tháng 3 năm 1964, khi miền Bắc đã có 10 năm được hưởng hòa bình thống nhất, đang trong quá trình xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa; miền Nam đang trực tiếp đấu tranh chống đế quốc Mỹ và Chính quyền Việt Nam cộng hòa, tiếp tục sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

 

 

Chính tại thời điểm này Bác đã động viên nhân dân tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; cùng một lúc tiến hành hai cuộc cách mạng trên cả hai miền (cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam) là một việc làm hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài. Trong lời kêu gọi “chống Mỹ, cứu nước” tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa… nhân dân Việt Nam nhất định thắng, Mỹ nhất định thua”. Chính vì vậy, để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và ủng hộ nhân dân miền Nam anh dũng đấu tranh bằng cả sức người, sức của, càng đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, xác định rõ thái độ, trách nhiệm, tích cực tạo ra sức mạnh to lớn để hoàn thành thắng lợi vào sự nghiệp vẻ vang ấy.

Hiện nay, sau hơn 37 năm đổi mới, bằng sự nỗ lực cố gắng, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng. Song lời dạy của Bác “Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi. Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy”, vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được Đảng, nhân dân ta phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp cách mạng mới. Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay, cần thống nhất nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta vẫn đang ở thời kỳ quá độ còn nhiều khó khăn, phức tạp và lâu dài… đòi hỏi Đảng và nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng và có phương pháp, hình thức, bước đi phù hợp cho từng giai đoạn cách mạng. Đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…

__________

- Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi những người có quan hệ trong Bộ Tư lệnh Quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng trước khi hoàn tất việc rút quân ra khỏi Việt Nam.

- Ngày 26/3/1953, Báo Nhân Dân đăng một bài báo nhỏ của Bác (ký tên C.B) có tên là “Cột dây thép” phản ảnh sự việc có một cột dây thép bị mối ăn, ngả xuống cạnh một làng. Thanh niên, phụ lão làng ấy xung phong ra trồng lại. Qua bài báo, tác giả biểu dương và nhắc nhở ý thức bảo vệ của công là bổn phận của mọi công dân.

- Ngày 26/3/1964, Báo Nhân Dân đăng bài báo về “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng”. Tác giả ký tên là “Chiến Sĩ” nhưng đó chỉ là bút danh của Bác Hồ. Viết bài báo vào dịp kỷ niệm thành lập Đoàn, Bác vừa nêu một tấm gương sáng của thanh niên trong cuộc đấu tranh chống thực dân giành độc lập nhưng cũng để kể lại những chi tiết như một nhân chứng lịch sử nhằm đính chính một số điều mà sách báo viết không chính xác về nhân vật lịch sử này.

Bài báo cho biết, chính Nguyễn Ái Quốc (khi đó mang bí danh Lý Thụy) là người đã tham gia đào tạo Lý Tự Trọng và một thế hệ những chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi mà kiên cường này: “Năm 1925, “Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” thành lập ở Quảng Châu. Mục đích của Hội là chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.

Hội đã quyết định bồi dưỡng một nhóm trẻ em làm hạt nhân cho phong trào nhi đồng cách mạng sau này. Lúc đó không thể đưa trẻ em trong nước ra. Hội bèn chọn lấy 10 em gái và trai, con Việt kiều ở Xiêm đưa đến Quảng Châu, trong đó có em Trọng 11 tuổi.

Em tên thật là Lê Văn Trọng. Để giới thiệu các em vào trường tiểu học (thuộc Trường Đại học Tôn Trung Sơn), đồng chí Lý Thụy nhận các em là họ hàng thân thích. Vì vậy em Trọng cũng như các em khác đều đổi thành họ Lý.

Để nuôi các em ăn học, một phần do đồng chí Lý Thụy phụ trách, một phần do các đồng chí Trung Quốc giúp đỡ. Các em không phải đi bán báo để lấy tiền nuôi mình, như có người đã nói sai.

Em Trọng thông minh, vui tính, siêng học, siêng làm; vóc người thấp nhỏ nhưng cứng cáp nên anh em quen gọi là “Trọng Con”.

Sau khi thuật lại việc Lý Tự Trọng đã bị thực dân bắt và kiên cường trước mọi ngón đòn tra tấn của kẻ thù, bài báo nhắc lại câu chuyện nhà báo Ăngđrô Viônlít (Andro Viollis) thuật lại: “Khi dẫn bà đến thăm đồng chí Trọng ở xà lim những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với bà rằng: Y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng... Sau gần 10 tháng vô cùng đau khổ, ngày 21 tháng 11 năm 1931, Lý Tự Trọng, người thanh niên anh hùng 17 tuổi, bị lũ thực dân Pháp đưa lên máy chém!... Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo. Ngày nay, được Đảng giáo dục, có Đoàn dìu dắt, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động; phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”...

ST&BT

Số lượng lượt xem: 14