title

“Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”
Chủ nhật, 07/04/2024, 19:16 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 07/4/1965, với bút danh là Lê Nông, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Chúng ta rất có thể đạt hơn 5 tấn thóc cả năm một hécta” để biểu dương một số hợp tác xã đã đạt chỉ tiêu này và khẳng định có thể đạt năng suất cao hơn nữa nếu quan tâm đến việc cải tiến khoa học - kỹ thuật, thực hành cần kiệm xây dựng và tự lực cánh sinh, chi bộ lãnh đạo chặt chẽ, đảng viên gương mẫu xung phong, xã viên đoàn kết nhất trí. “Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”.

 

 

Bác cũng khẳng định có thể đạt năng suất cao hơn nữa, nếu quan tâm đến việc cải tiến khoa học, kỹ thuật, thực hành cần, kiệm trong xây dựng và tự lực cánh sinh; chi bộ lãnh đạo chặt chẽ, đảng viên gương mẫu xung phong, xã viên đoàn kết nhất trí.

Tôn trọng và phát huy sức mạnh của nhân tố con người với tư cách là chủ thể sáng tạo của lịch sử luôn là bài học kinh nghiệm thực tiễn phong phú mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta. Bác luôn coi trọng việc giáo dục về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là nguồn sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn để giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

___________

- Ngày 07/4/1921, trên tờ La Revue Communiste (Tạp chí “Cộng sản”), Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn phê bình một số đảng cộng sản ở các “cường quốc thực dân” chưa quan tâm nghiên cứu đến vấn đề cách mạng ở các thuộc địa một cách nghiêm túc. Về Đông Dương, bài báo viết: “Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa”. Khẳng định rằng, ý chí của người dân Đông Dương chưa hề bị khuất phục, Nguyễn Ái Quốc viết: “Không: Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi... Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương... Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi!”.

- Ngày 07/4/1947, Bác Hồ viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bùi là Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến) nhắc nhở phải thúc đẩy việc di chuyển các Bộ rời khỏi các khu vực nguy hiểm, Bác căn dặn: Phải động viên các vị Bộ trưởng hiểu, chịu khó mấy hôm mà an toàn hơn là cầu yên và nước đến chân mới nhảy và dặn họ giải thích với gia quyến họ... Phải cử người thạo việc đi theo để lúc gặp việc khó khăn biết cách giải quyết và biết nâng đỡ tinh thần của đàn bà, trẻ con. Phải làm cho mọi người ý thức rằng, cuộc kháng chiến là gian khổ và trường kỳ.

- Ngày 07/4/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình chiến sự trên cả nước và một số vấn đề về ngoại giao. Bác lưu ý, việc tăng cường công tác vận động ngoại giao nhân dân, cần tuyên truyền về Toà án xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do Huân tước và triết gia nổi tiếng người Anh Bectơran Rytxen (Bertrand Roussell - năm đó đã 94 tuổi), một người có cảm tình đặc biệt đối với nhân dân ta, đề xướng để tranh thủ dư luận quốc tế.

- Ngày 07/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời các vị trong Bộ Chính trị đến họp tại Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch và ở lại dùng bữa với Bác. Đây là lần họp cuối cùng của Bộ Chính trị diễn ra tại địa điểm này, vì sau đó một thời gian, Bác lâm bệnh trước khi qua đời.

ST&BT

Số lượng lượt xem: 27