title

“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”
Thứ sáu, 19/04/2024, 17:15 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 19-4-1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam khai mạc tại Pleiku (Gia Lai). Do ở xa, không có điều kiện đến dự, Bác đã gửi thư động viên và chúc mừng đại hội. Bức thư được viết ngắn gọn, súc tích, khoảng 300 từ, hàm chứa trong đó những chủ trương, đường lối, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng hết sức gần gũi, thân thiết, chân thành. Thư có đoạn viết: “… Đồng bào Kinh hay Thổ, Muờng hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.

 

 

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Nam đã đứng lên đoàn kết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn và hy sinh, nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở mọi vùng miền của Tổ quốc đã góp phần quan trọng cùng với quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh giải phóng, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt chủ trương, chính sách đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước và lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ quân đội, không phân biệt người Kinh, người dân tộc thiểu số, thành phần xuất thân, nơi sinh sống, luôn nêu cao tình đồng chí, nghĩa đồng đội, đoàn kết với nhau như ruột thịt theo tinh thần “toàn quân một ý chí”.

____________

- Ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về Dự án ngân sách lương thực của quân đội, vấn đề lập Nha Dân tộc Thiểu số và vấn đề tài chính.

- Tháng 4/1949, trong bức thư ký là “Cháu: Hồ Chí Minh” gửi thư cho cậu (Hoàng Phan Kính) và dượng (Trần Lê Hữu), Bác bày tỏ một nỗi niềm: “Tôi chưa về thăm quê được, không phải vì vô tình với quê hương, nhưng vì lẽ này: Trong lúc giặc Pháp đang giày xéo trên đất nước ta, thì phận sự của mọi người Việt Nam là “vì nước quên nhà, vì công quên tư”. Là một người đầy tớ chung của đồng bào, tôi càng phải như thế...”.

Phân tích những khiếm khuyết của chế độ, thư viết: “Nhân dân ta vừa đánh đổ chế độ phong kiến mấy nghìn năm và phá tan xiềng xích nô lệ gần một thế kỷ để xây dựng một nước Việt Nam mới.

Trong lúc lật đổ những tường vách cũ kỹ và đang xây đắp ngôi lâu đài mới thì chắc chắn không khỏi có những mụn bào, gạch bể và những thứ ghột rác khác. Chúng ta sẽ gột sạch dần dần. Trong lúc kháng chiến và kiến quốc, nhân dân ta có những thành công to lớn, vẻ vang, nhưng cũng không khỏi có nhiều khuyết điểm. Chúng ta sửa chữa những khuyết điểm ấy dần dần. Chúng ta nhất định sửa chữa được vì chúng ta quyết tâm sửa chữa.

Bổn phận của tôi, Chính phủ cùng các cơ quan, đoàn thể địa phương, mà cũng là bổn phận của mỗi người dân là làm những việc có ích cho đồng bào, cho Tổ quốc... Tôi lại mong cậu, dượng cùng các vị đôn đốc, giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong thi đua ái quốc, làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc”.

- Ngày 19/4/1959, dự Hội nghị 16 Trung ương Khóa II bàn về hợp tác hóa nông nghiệp, Bác đặc biệt lưu ý mỗi xã phải quan tâm xây dựng nghĩa trang liệt sỹ để làm tốt chính sách và giáo dục truyền thống.

- Ngày 19/4/1966, tại Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận về tình hình đấu tranh chính trị ở miền Nam, Bác đề nghị phải chỉ đạo sát sao phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, phải duy trì lâu dài phong trào quần chúng, với mỗi tầng lớp nhân dân phải có khẩu hiệu đấu tranh cụ thể, phải dựa vào chiến thắng quân sự để phát huy uy thế chính trị, đẩy mạnh binh vận với cả lính Mỹ và tay sai.

ST & BT

Số lượng lượt xem: 7