title

“Đối với tất cả các nước trên thế giới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”.
Thứ tư, 07/02/2024, 09:05 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Lời nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trong Hội nghị những người Ấn nghiên cứu vấn đề quốc tế, ngày 7/2/1958. Đây là giai đoạn Người có nhiều hoạt động đối ngoại, viếng thăm các nước. Qua đó, Người thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Việt Nam trong đối ngoại, tố cáo những âm mưu chia cắt, cô lập đất nước ta lâu dài và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cách mạng nước ta.

 

 

Câu nói trên đã diễn đạt đầy đủ nguyện vọng, quan điểm và đường lối đối ngoại của Việt Nam lúc bấy giờ là duy trì tình hữu nghị, sự hợp tác chân thành với tất cả các nước trên thế giới dù có chế độ chính trị khác nhau, trên nguyên tắc bình đẳng và tương trợ lẫn nhau nhằm xây dựng hòa bình trên thế giới. Quan điểm của Người là nền tảng tư tưởng cho đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta và là cơ sở để các nước có chế độ chính trị khác nhau trên thế giới công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với ViệtNam. Quán triệt và thực hiện quan điểm của Người, hoạt động đối ngoại của nước ta không ngừng mở rộng và phát triển, đã tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cũng như của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ cho cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Đặc biệt, quan điểm đó của Người đã mở đường cho chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại, Việt nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

___________

- Ngày 07/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp bàn của Chính phủ và yêu cầu các nhà ngoại giao nghiên cứu kỹ khái niệm “thác trị” (hay ủy trị) mà Liên hợp quốc mới đưa ra. Đây là hình thức chuyển giao chính quyền ở các thuộc địa thông qua Liên hợp quốc để người bản xứ từng bước giành lại quyền độc lập. Điều này cho thấy mối quan tâm hàng đầu của nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam là tìm mọi phương cách để dân tộc ta không trở lại kiếp thuộc địa của ngoại bang.

- Ngày 07/02/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ bắt đầu từ ngày mồng Một Tết Tân Mão (ngày 06/02). Trong lời kết luận, Bác nhấn mạnh đến vũ khí “phê và tự phê” và lưu ý hiện tượng trong lúc thực hiện phê bình và tự phê bình, có thể cán bộ sợ bị trù và dân thì có lúc 10 câu chỉ đúng 2, nhưng ta cứ phải để dân phê bình, nếu không ta sẽ khóa cửa sự phê bình”. Người đứng đầu Chính phủ cũng ra sắc lệnh tặng Huân chương Kháng chiến cho Nha Bình dân học vụ, sau đó lên đường tới địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ II của Đảng để chỉ đạo công tác trù bị.

- Ngày 07/02/1956, kết luận lá thư khen huyện Mỹ Đức (lúc đó thuộc tỉnh Hà Đông) đã có nhiều thành tích chống hạn, Bác viết: “Trong cuộc thử thách lâu dài và gian khổ là 8, 9 năm kháng chiến, nhân dân ta đã thắng lợi. Hạn hán cũng là một cuộc thử thách, nhân dân ta quyết chống hạn thành công”.

Tiếp tục chuyến thăm lịch sử Cộng hòa Ấn Độ, tham dự cuộc đồng diễn của 3.000 học sinh, Bác đã nói chuyện với các cháu và được Thủ tướng Ấn Độ G.H.Nờru (J.H.Nerhu) thân ái giới thiệu “Đối với các cháu, Bác đây là Bác Hồ chứ không phải là Cụ Chủ tịch”. Sau bữa tiệc chiêu đãi của Tổng thống Ấn Độ, Bác Hồ đã rời xe ôtô đi bộ về nơi ở để tiếp xúc được nhiều tầng lớp nhân dân đứng đón chào hai bên đường. Những hoạt động và tác phong của vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam gây ấn tượng sâu sắc với nhân dân và giới truyền thông nước bạn.

- Ngày 07/02/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Nôrôđôm Xihanúc (Norodom Sihanouk) để cảm ơn sự ủng hộ đối với lập trường của Việt Nam tại cuộc đàm phán với Mỹ tại Pari. Hơn nửa năm sau, ngày 02/9/1969, nhà lãnh đạo Việt Nam qua đời, Quốc trưởng Xihanúc đã sang Hà Nội dự lễ tang. Và sau rất nhiều biến cố lịch sử, trong hồi ký của mình, Cựu vương Xihanúc đã bày tỏ: Từ lâu tôi đã rất ngưỡng mộ Bác Hồ, Người không chỉ thuộc về nhân dân Việt Nam mà là cả Đông Dương, cả Châu Á và có thể là cả thế giới, bởi vì Người luôn luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa cũng như quyền lợi của những người da đen ở Mỹ. Đối với riêng tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến và tôi cũng luôn mong được gặp Người... (Hồi ký: Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơme Đỏ của N.Xihanúc).

Sưu tầm

Số lượng lượt xem: 28