title

“Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân”
Thứ hai, 05/02/2024, 08:21 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Lời dạy trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Thư gửi Hội nghị nông vận và dân vận, ngày 5/2/1953. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta bước sang giai đoạn phản công, đòi hỏi phải huy động cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó nông dân là một lực lượng đông đảo, cần phải phát huy cao độ mọi tiềm năng của họ và làm cho họ hăng hái tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định vai trò của nông dân là một lực lượng to lớn của dân tộc, là đồng minh chắc chắn nhất của giai cấp công nhân. Do đó sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc muốn thắng lợi thì phải dựa chắc vào nông dân, chăm lo đến lợi ích, nguyện vọng, đời sống của nông dân, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần cách mạng, chủ nghĩa yêu nước và sức người, sức của của nông dân.

Lời dạy trên không chỉ là nền tảng tư tưởng để Đảng ta có các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn đối với nông dân, củng cố niềm tin của nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, mà còn nhấn mạnh về đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ và cách thức tiến hành vận động nông dân mà các chủ thể công tác vận động quần chúng cần chú ý. Mặt khác, lời dạy của Người đã động viên, khích lệ nông dân đẩy mạnh tăng gia, sản xuất tích cực đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

____________

- Ngày 05/02/1923, Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp đăng liền ba bài viết của Nguyễn Ái Quốc: “Chế độ thực dân”, “Từ vụ bê bối này đến vụ bê bối khác” và “Nạn thiếu trường học”, trong đó đưa ra thông điệp quan trọng: “Những người cộng sản đòi hỏi chấm dứt bóc lột thuộc địa, một bộ phận của bóc lột tư bản nói chung…”, “Đối với những người cộng sản, vấn đề không phải là cải thiện hệ thống thuộc địa mà phải bãi bỏ nó”. Về nền giáo dục thực dân, tác giả khái quát: Làm cho u mê để thống trị.

- Ngày mồng Một Tết Quý Mùi (1943), bài thơ “Mừng năm mới” đến với dân chúng cả nước đang sục sôi khí thế như một dự báo về thời cơ cách mạng:

Một nghìn chín trăm bốn mươi ba

Năm mới tình hình hẳn mới a

Đông Á chắc rồi Tàu thắng Nhật

Tây Âu nhất định Đức thua Nga

Nhân dân các nước đều bùng dậy

Cách mệnh nhiều nơi sẽ nổ ra

Đức, Nhật chết, rồi Tây cũng chết

Ấy là cơ hội tốt cho ta

Cơ hội này ta chớ bỏ qua

Phấn đấu hy sinh đừng quản ngại

Tuyên truyền tổ chức phải xông pha

Đồng tâm một triệu người như một

Khởi nghĩa ba kỳ dậy cả ba.

Năm mới quyết làm cho nước mới

Non sông Hồng Lạc gấm thêm hoa.

Ngay trong ngày mồng Một Tết, Bác viết thư gửi Hội nghị Nông vận và Dân vận toàn quốc, một lần nữa xác định: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân”.

- Ngày 05/02/1958, tiếp tục chuyến thăm Ấn Độ, Bác tới thủ đô Niu Đêli (New Delhi), viếng và trồng tại Lăng tưởng niệm Thánh Ganđi (Gandhi) một cây đại mang từ Việt Nam. Khi bước vào Lăng, Bác cởi giày đi chân không để tỏ lòng tôn kính. Chi tiết đó được dư luận Ấn Độ cảm mến.

- Ngày 05/02/1960, trong bài báo “Chung quanh một phòng họp mới”, Bác lại kiên trì công kích tệ tham ô lãng phí: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn, một nếp làm việc và nếp sống không bao giờ được lơ là...

Vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội, chúng ta ra sức đánh bại những kẻ thù nguy hiểm ấy”.

- Ngày 05/02/1962, lại ứng với mồng Một Tết Nhâm Dần, bài “Thơ mừng năm mới” của Bác như một lời cổ vũ:

“Năm Dần, mừng Xuân thế giới,

Cả năm châu phấp phới cờ hồng.

Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,

Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong.

Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới,

Sức triệu người hơn sóng biển Đông.

Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi,

Hòa bình thống nhất quyết thành công”.

Trong ngày, Bác thăm và chúc Tết công trường Nhà máy bê tông đúc sẵn Chèm và dự buổi sinh hoạt ngâm thơ mừng Xuân của phụ lão Hà Nội. Bác gúp một vần thơ:

"Tuổi già nhưng chí không già,

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh".

ST

Số lượng lượt xem: 19