title

“Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất thiết tha với độc lập, tự do và hòa bình... Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn”
Thứ năm, 15/02/2024, 08:32 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đây là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong Thư trả lời Tổng thống Mỹ Giônxơn, ngày 15/2/1967, đăng trên Báo Nhân dân, số 4730, ngày 22-3-1967. Trước đó, trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 8-2- 1967), Tổng thống Mỹ L.B. Giônxơn đã đưa ra những điều kiện vô lý cho việc chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam, chấm dứt việc đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Đồng thời, ngày 14-2-1967, L.B. Giônxơn lại ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc. Để tiếp tục tỏ rõ thiện chí, nguyện vọng hoà bình của Việt Nam, ngày 15-2-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn gửi L.B. Giônxơn bức thư trả lời này bằng những lập luận đanh thép: “Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác... Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe doạ của bom đạn. Sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa. Mong Chính phủ Mỹ hãy hành động hợp với lẽ phải”.

 

 

Qua đây, Hồ Chí Minh, khẳng định, khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Và vì những điều đó mà nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước bom đạn, cường quyền, sẽ quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng, tính mệnh, và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Do đó, sẽ không có đàm phán nào được diễn ra nếu Mỹ không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt sự đe dọa bằng bom đạn vào miền Bắc và khẳng định, không thế lực nào có thể dùng bom đạn cường quyền để ép nhân dân Việt Nam từ bỏ khát vọng chân chính của mình.

Lời đáp trả đanh thép đó của Hồ Chí Minh đã tỏ rõ cho nhân dân Mỹ và toàn thế giới thấy được khát vọng và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Mặt khác, đã động viên toàn thể dân tộc đứng lên kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi cuối cùng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

___________

- Ngày 15/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp với đại diện các đoàn thể chính trị để bàn việc lập Chính phủ Liên hiệp sẽ chính thức ra mắt vào dịp Quốc hội được triệu tập.

- Ngày 15/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Sáclơ Phênnơ (Charles Fenn), một sĩ quan tình báo trong đơn vị thuộc OSS đã từng tiếp xúc với Bác trong thời gian ở Côn Minh (tháng 3/1945) nhằm gây dựng mối quan hệ đồng minh chống Nhật ở Đông Dương. Bức thư viết: “Chúng tôi vô cùng cảm kích vì thiện chí của Ngài muốn giúp Việt Nam”. Sau khi Bác Hồ qua đời, S.Phênnơ là người viết cuốn tiểu sử chính trị đầu tiên về Hồ Chí Minh xuất bản bằng Anh ngữ. Khi đó ngoài 100 tuổi (năm 2004), S.Phênnơ còn viết: “Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường bất chấp những khó khăn chồng chất đó đưa Hồ Chí Minh, trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại, lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ XX”.

- Ngày 15/02/1961 là ngày mồng Một Tết Tân Sửu, trong lời chúc mừng năm mới Bác viết: “Năm nay là năm Sửu, các cụ ta quen gọi là “Tết con Trâu”. Trâu thì cày giỏi mà chọi cũng hăng. Toàn dân ta đoàn kết đấu tranh thì chúng ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” và kết thúc bằng những vần thơ:

"Mừng năm mới, mừng xuân mới,

Mừng Việt Nam, mừng thế giới,

Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh,

Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi.

Chúc miền Bắc hăng hái thi đua!

Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!

Chúc hoà bình thống nhất thành công!

Chúc Chủ nghĩa xã hội thắng lợi!"

- Ngày 15/02/1965, Bác Hồ thăm đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương). Thư ký của Bác là ông Vũ Kỳ thuật lại trong hồi ức của mình: Bác nghỉ trưa ở đó và xem rất kỹ văn bia trong đền thờ Nguyễn Trãi. Rồi đây các nhà viết sử có lẽ phải dành nhiều trang cho sự kiện không ngẫu nhiên này. Bởi Hồ Chí Minh tìm đến Nguyễn Trãi trong một bước ngoặt lịch sử của dân tộc, đâu phải là một sự ngẫu nhiên. Cách nhau hơn 5 thế kỷ (1380 - 1890) mà sao có những sự trùng hợp kỳ lạ, y như cuộc hẹn lịch sử đã định sẵn. Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn, và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, là tấm lòng tha thiết đối với hạnh phúc của nhân dân.

ST & BT

Số lượng lượt xem: 19