title

"Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội”
Thứ sáu, 12/04/2024, 16:43 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Đó là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh đốn Đảng Trung ương khóa III tổ chức tháng 4 năm 1953.

 

 

Xuất phát từ bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân đã được quy định trong Hiến pháp; từ mối quan hệ biện chứng giữa đội ngũ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân. Để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đòi hỏi phải xây dựng được Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, vì nhân dân phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn; thực sự tiền phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân, lấy tiêu chí sự hài lòng của nhân dân là thước đo kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.

____________

- Ngày 12/4/1908, phong trào chống sưu cao thuế nặng của nông dân miền Trung lan đến Huế. Nguyễn Tất Thành khi đó đang theo học tại Trường Quốc học đã tham gia vào phong trào học sinh ủng hộ những người nông dân nghèo lên Kinh đô chống thuế. Vì việc này mà học sinh Nguyễn Tất Thành bị đuổi học và bị mật thám theo dõi. Thân sinh là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng bị khiển trách vì để con dính líu đến “quốc sự”.

- Ngày 12/4/1928, từ Béclin, thủ đô nước Đức, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản trình bày về hoàn cảnh và đề đạt nguyện vọng: “Vì không thể công tác ở Pháp, ở Đức thì vô ích, nhưng cần thiết ở Đông Dương, nên tôi đã xin lại lên đường về xứ sở này...”. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện hoạt động nhưng nhà cách mạng Việt Nam quả quyết: “Dù thế nào tôi cũng sẽ đi, bởi vì đã một năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương... Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác về điều mà tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường”.

- Ngày 12/4/1948, sau khi chủ trì cuộc họp liên Bộ, Bác Hồ tổ chức một đêm ngâm thơ, các Bộ trưởng thay nhau ngâm những bài thơ trong quyển thơ “Bà mẹ Việt Bắc” của Tố Hữu và tham dự nhiều trò vui khác.

- Ngày 12/4/1952, Báo Cứu Quốc đăng bài “Cụ Hồ và cuốc cỏ bỏ phân” của Bác, ký tên Đ.X. Bài báo cho biết, Chủ tịch Nước đã nhận được hàng vạn bức thư của các tầng lớp nhân dân gửi tới thông báo về thành tích tăng gia sản xuất. Kết luận bài báo, tác giả tin tưởng rằng, chính sách tăng gia và tiết kiệm của Chính phủ và Đoàn thể nhất định thành công vì chính sách ấy đã thấm nhuần và đã biến thành chính sách của nhân dân.

- Ngày 12/4/1962, Bác tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và phát biểu nhấn mạnh đến vai trò con người là quyết định. Bác cho rằng, mục đích của chủ nghĩa xã hội là nâng cao đời sống của nhân dân, muốn vậy, phải “có kế hoạch giáo dục, củng cố chi bộ, công đoàn, thanh niên. Ba lực lượng ấy mạnh thì mới lớn được. Có người nói máy kéo là gốc, cũng có người nói cái khác là gốc, tôi nói chính cái này là gốc”.

- Ngày 12/4/1965, Bác gửi thư tới các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ ngoài biển Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã kiên cường đương đầu với máy bay và tàu chiến Mỹ bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc, lập được nhiều chiến công và được phong là “Hòn đảo Anh hùng”. Trong thư Bác động viên: “Các chú cần luôn luôn nâng cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, khó không nản, thắng không kiêu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

- Ngày 12/4/1966, Báo Nhân Dân công bố trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đài Truyền hình Nhật Bản “Nihon Denpa” lên án Mỹ mở rộng chiến tranh, vạch trần thủ đoạn “tìm kiếm hoà bình” của Tổng thống Mỹ Giônxơn (Johnson) cũng như sự đồng lõa của chính quyền Nhật Bản... và khẳng định “Dù có lâu dài, gian khổ, cuộc đấu tranh chính nghĩa đó nhất định sẽ thắng lợi”.

ST&BT

Số lượng lượt xem: 10