title

“KHEN CÁI NÊN KHEN, THƯỞNG VIỆC NÊN THƯỞNG”
Thứ sáu, 12/01/2024, 14:17 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Tháng 11/1945, Bác Hồ với bút danh “C.B” có bài viết “Việc nhỏ, ý nghĩa to” đăng trên Báo Nhân Dân, số 272, ra ngày 24/11/1945. Trong bài báo, Bác viết: “Nếu chính quyền biết lãnh đạo và khuyến khích, khen cái nên khen, thưởng việc nên thưởng, thì không những người lớn mà các trẻ em cũng hăng làm việc có lợi”.

 

 

Sinh thời, việc nêu gương người tốt việc tốt để từ đó lan tỏa thành phong trào là một biểu hiện sinh động cho tầm nhìn chiến lược, nhân văn của Bác Hồ đối với việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam, bởi theo Người: “Mỗi người tốt, việc tốt đều là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”.

Qua bài viết “Việc nhỏ, ý nghĩa to”, cho ta thấy tính nhất quán trong quan điểm, tầm nhìn của Người với thực tế đời sống. Thật xúc động biết bao, khi một lãnh tụ với muôn ngàn mối lo, nhưng vẫn hằng ngày dành thời gian theo dõi những tấm gương người tốt, việc tốt để kịp thời biểu dương, khen thưởng, chi tiết đến: “- Nhân viên phòng kế toán ở Ty Công chính Gia Lâm trước đây làm một bảng lương phải mất một tuần, nay chỉ mất một ngày... - Anh Thủy thợ sơn, trước cạo một tấm biển mất một ngày, nay chỉ cần 2 giờ. - Anh Tin, công nhân nhà ga, đã giúp cán bộ xét thấy 5 thùng xăng lậu thuế. - Anh Thái Bá Lai, công nhân xe lửa Hải Dương, đã giúp cán bộ tìm ra hàng lậu thuế. - Bà Đức Long, chủ hiệu may, vui vẻ khai lại số thuế hơn lần khai trước gấp 11 lần. - Bà cụ Ưng, bán cà phê, đóng xong thuế, lại hăng hái đi vận động bà con khai đúng và nộp nhanh. - Em Bảo, em Yên và em Sơn mò được dưới sông và đưa nộp cho Công an: 2 băng đạn, 3 quả moócchê, 2 quả đại bác”. Những tấm gương dung dị trong đời sống thường nhật, được Bác nhắc lại cũng bằng bút pháp giản dị, gần gũi.

Và biết bao lần Bác viết thư, làm thơ, gửi Huy hiệu khen các tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động sản xuất và chiến đấu, cứu người hoạn nạn, nhặt được của rơi trả người bị mất, trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí... Mỗi lần như thế, Bác đều yêu cầu kiểm tra, xác minh thành tích thật tỉ mỉ; việc khen thưởng bảo đảm công bằng, khách quan, kịp thời và tương xứng.

Đồng thời, bài viết của Bác thêm một lần nhắc nhở các cấp chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy vai trò nêu gương mà còn phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” để phát huy được sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, bởi: “Đồng bào ta rất tốt. Nếu cán bộ không quan liêu, mệnh lệnh, mà khéo giải thích kỹ càng cho mọi người hiểu rõ chính sách của Chính phủ, thì dù phải xuất tiền, xuất sức, đồng bào cũng vui lòng làm”.

Chính bởi chính quyền làm dân vận chưa đến nơi đến chốn, cùng một bộ phận cán bộ quan liêu, mệnh lệnh, đùn đẩy trách nhiệm nên trên thực tế, tại nhiều địa phương hiện nay vẫn tồn tại những vướng mắc liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, các vụ việc khiếu kiện kéo dài, các công trình, dự án bị ách tắc, chậm tiến độ... Về vấn đề này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân,”lợi ích nhóm“, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”.

Ngược lại, ở những địa phương mà cán bộ “nói đi đôi với làm”, tiền phong, gương mẫu, dám làm – dám chịu trách nhiệm, hệ thống chính trị gần dân, “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” thì mọi công việc đều thông suốt. Các phong trào hiến đất, mở đường ở các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa như Triệu Sơn, Đông Sơn, Vĩnh Lộc... chẳng phải là một trong những minh chứng sinh động cho điều này.

Một vấn đề quan trọng khác mà trong bài báo, Bác đã chỉ rõ: “Nếu chính quyền biết lãnh đạo và khuyến khích, khen cái nên khen, thưởng việc nên thưởng thì không những người lớn mà các trẻ em cũng hăng làm việc có lợi”.

Nhìn lại những dịp tổng kết cuối năm, có một thực tế là không hiếm các địa phương, cơ quan, đơn vị, việc bình xét thi đua – khen thưởng là công việc phải “nhìn trước, nhìn sau”, khen thưởng được phân bổ theo tỷ lệ, theo chỉ tiêu và khen thưởng theo các tiêu chí “cứng” mà áp dụng vào nơi này thì hợp nhưng nơi khác thì không.

Bởi vậy, cùng với việc lấy gương người tốt để học tập, giáo dục lẫn nhau, lấy việc tốt để tuyên truyền, lan tỏa, thẩm thấu trong cộng đồng, xã hội thành một phong trào rộng khắp, thì phương pháp, hình thức nêu gương, khen thưởng cũng cần được thực hiện trung thực, khách quan, chính xác và thực sự phù hợp, “đúng người đúng việc”, có sức thuyết phục.

Làm được điều đó, là chúng ta đang thực hành theo lời Người đã khẳng định, chỉ dạy ở cuối bài báo: “Những cử chỉ tốt đẹp nói trên chắc sẽ phát triển khắp các ngành, các giới, thành một phong trào thi đua. Mà phong trào ấy sẽ đưa nước ta mau đến chỗ giàu mạnh”./.

---------

- Ngày 12/01/1933, sau khi Tòa án Anh ở Hồng Kông đã ra lệnh thả, Nguyễn Ái Quốc quyết định đi Anh, nhưng tàu vừa cập bến cảng Xingapo thì chính quyền sở tại theo yêu cầu của nhà cầm quyền ở Hồng Kông ra lệnh cho nhà cách mạng Việt Nam phải quay lại nơi xuất phát. Cách đó mới hơn một năm (tháng 6/1931), Bộ Thuộc địa Pháp đó cảnh báo: Việc trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc chỉ có thể làm trầm trọng thêm những hoạt động có hại của phong trào Đông Dương mà các Sở an ninh Đông Dương đều biết là ông ta đã tập trung tất cả trò thông minh, quyền lực và sự nổi tiếng của mình.

- Ngày 12/01/1947, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh đã lan rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời một nhà báo Mỹ trong đó một lần nữa bày tỏ “Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ giúp các dân tộc nhỏ giành độc lập như Tổng thống Rudơven đã thường nói” đồng thời sẵn sàng tiếp đón những phóng viên Mỹ muốn đến tìm hiểu tình hình Việt Nam.

Vậy mà 20 năm sau đó, Mỹ chẳng những không ủng hộ nền độc lập của Việt Nam mà còn trở thành kẻ trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh khốc liệt trên cả hai miền Nam và Bắc nước ta. Đó cũng là lúc phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đang dâng cao trên khắp thế giới.

Với một tầm nhìn xa, một mặt Bác cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân dân trên các chiến trường, mặt khác lại rất quan tâm chỉ đạo việc mở ra mặt trận ngoại giao nhân dân. Ngày 12/01/1967, Bác tiếp Giáo sư H.S. Atxmôrơ chủ bút tờ “Nhật báo Acansot” cùng hai nhân vật nữa là những người đã nhận sứ mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ thăm dò khả năng chấm dứt chiến tranh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm hiểu một cách chân tình và thẳng thắn: “Tôi chưa có thời gian nào để lấy vợ và lập gia đình. Tôi nói với thanh niên Việt Nam rằng họ là con cháu tôi, vì vậy tôi rất bình yên và giản dị. Tôi ngủ rất ngon, ngay cả khi có việc ném bom của các ông”.

"Chúng tôi không đánh nước Mỹ. Chúng tôi không phạm một hành động đối địch nào vào lãnh thổ các ông... Trong khi những hành động chiến tranh còn tiếp diễn thì các ông đừng mong đợi chúng tôi đến bàn thương lượng. Làm như vậy không phải là thương lượng một giải pháp mà đó là đi xin hòa bình, là đầu hàng... Khi nào chấm dứt ném bom, cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu", "Nhân dân chúng tôi là người có lý trí biết suy nghĩ, yêu hòa bình. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh này, nhưng nền độc lập, tự do của Việt Nam không bao giờ lại bị đưa ra thương lượng một lần nữa".

Cuộc tiếp xúc này là tín hiệu để phía Mỹ nhận thức được thiện chí có nguyên tắc của phía Việt Nam nhằm đi đến bàn hội nghị đó diễn ra tại Pari ngay sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy vào mùa Xuân năm Mậu Thân (1968).

G.M  Sưu tầm

Số lượng lượt xem: 25