title

“Hãy cất lên thật to, thật mạnh giữa quần chúng nông dân lời kêu gọi: Nông dân và công nhân ở tất cả các nước hãy đoàn kết lại !”
Thứ hai, 22/01/2024, 08:43 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đúng ngày này 100 năm trước, ngày 22-01-1924, Nguyễn Ái Quốc đang học và làm việc tại Liên Xô thì nhận được tin V.I.Lênin đã từ trần vào đêm hôm trước (21-01-1924). Nguyễn Ái Quốc đã tới trụ sở Quốc tế Nông dân ở Mátxcơva để dự phiên họp bất thường. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc được phân công cùng một số đồng chí khác viết “Lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân”.

 

 

Văn kiện kêu gọi: “Nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta là thực hiện những lời khuyên quan trọng nhất của Lê Nin. Điểm quan trọng nhất trong di huấn chính trị của Người là thực hiện liên minh công - nông, củng cố khối đoàn kết nông dân ở nông thôn và công nhân ở thành thị... Hãy cất lên thật to, thật mạnh giữa quần chúng nông dân lời kêu gọi: Nông dân và công nhân ở tất cả các nước hãy đoàn kết lại !”.

9 năm sau, ngày 22-01-1933, lúc 5 giờ chiều, Tống Văn Sơ (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) trong bộ cánh cải trang một thương nhân giàu có bí mật cùng thư ký riêng của Luật sư Lôdơbi rời bến bằng một chiếc thuyền riêng do Thống đốc Hồng Công bố trí để lên con tàu “An Huy” đỗ sẵn ở ngoài khơi trên đường đi Hạ Môn, từ đó đến Thượng Hải và sang Nga, kết thúc “Vụ án Hồng Công” phá âm mưu trục xuất Nguyễn Ái Quốc để giao cho mật thám Pháp ở Đông Dương thực hiện bản án tử hình vắng mặt của Tòa án Nam triều đã tuyên từ năm 1929. Theo dõi rất sát vụ án này, nhưng phải đến hơn 2 tháng sau (25-3) Pháp mới biết Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi Hồng Công và phát lệnh truy nã.

Tết Đinh Hợi nhằm đúng ngày 22-01-1947, tết cả nước kháng chiến, đầu Mặt trận Hà Nội vẫn đang rền tiếng súng xen lẫn pháo đón giao thừa của các chiến sĩ quyết tử. Bài thơ “Chúc năm mới” của vị Chủ tịch nước Việt Nam độc lập thực sự là một hiệu kèn xung trận: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió / Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông / Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến / Chí ta đã quyết lòng ta đã đồng / Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào! / Sức ta đã mạnh, người ta đã đông / Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! / Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.

Nhật ký của thư ký Vũ Kỳ cho biết, ngày hôm ấy Bác dậy sớm như thường lệ, đi thăm và chúc tết các nhà hàng xóm... Bác viết lên tấm giấy điều hàng chữ Hán “Cung hỷ tân xuân” mừng gia đình chủ nhà rồi cùng các đồng chí thân thiết ngồi bàn việc nước bên bếp lửa hồng cho đến một giờ sáng hôm sau. Ngày tết, vị Chủ tịch “khai bút” bằng sắc lệnh cử cụ Bùi Bằng Đoàn làm Chủ tịch Ủy ban Tản cư và di cư để lo an toàn cho dân ở các vùng chiến sự.

Ngày 22-01-1952, được tin Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính, kỹ sư Đặng Phúc Thông, qua đời, Bác gửi điện chia buồn: “Tôi rất thương tiếc, vì chú Thông là một cán bộ cao cấp xuất sắc của Chính phủ, một chiến sĩ trung thành của dân tộc và một người bạn tốt của tôi”./.

ST

Số lượng lượt xem: 20