title

“Dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hòa bình, tín nghĩa”
Thứ bảy, 16/03/2024, 13:03 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 16 tháng 3 năm 1946, tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của đại diện các nước Trung Hoa dân quốc, Mỹ và Anh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân ký bản Hiệp định sơ bộ với Chính phủ Cộng hòa Pháp. Theo đó, Chính phủ Cộng hòa Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính của riêng mình và là một phần tử trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp; Việt Nam chấp nhận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc, thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân đội phát xít Nhật Bản, sau đó sẽ phải rút hết trong 5 năm. Sự chấp nhận và nhân nhượng có nguyên tắc của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một tình thế cụ thể đã làm cho cục diện quan hệ Trung Hoa dân quốc - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Cộng hòa Pháp thay đổi. Nhân dân ViệtNam có thêm thời gian hòa bình để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến mà theo nhận định của Đảng và Nhà nước thì tất yếu sẽ xảy ra.

 

 

Mặc dù bản Hiệp định sơ bộ tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam, nhưng dư luận các đảng phái quốc gia và thân nước ngoài như Việt Cách, Việt Quốc vẫn lên tiếng phản đối, một bộ phận nhân dân còn băn khoăn. Trước tình hình đó, ngày 16 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Lời kêu gọi nhân dân thi hành đúng Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp với lòng mong muốn: “… Quốc dân giữ lòng kiên quyết nhưng bình tĩnh, các báo thì bình luận một cách chính đáng, những lời lẽ nên cân nhắc... Chúng ta phải tỏ cho họ biết rằng dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hòa bình, tín nghĩa…”. Vào thời điểm quân Pháp đang triển khai việc thay thế quân Tưởng, vị Chủ tịch Nước cũng ban hành “Nghiêm lệnh” quy định tuyệt đối cấm chỉ mọi sự khiêu khích đối với quân đội và kiều dân Pháp. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày vắn tắt lập trường, đường lối chính trị của Đảng, Chính phủ trước đồng bào cả nước, và động viên đồng bào cần phải biết chịu đựng hy sinh để mưu tính sự nghiệp lớn.

Trong thời điểm ngặt nghèo của dân tộc, việc ký Hiệp định sơ bộ là một quyết định sáng suốt, một mẫu mực sách lược trong đấu tranh ngoại giao, tận dụng thời cơ, nhân nhượng có nguyên tắc của Đảng và Nhà nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ngày nay, đất nước Việt Namđã hoàn toàn độc lập, thống nhất và vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập. Lịch sử quan hệ Việt - Pháp sau những thăng trầm, quanh co của lịch sử đã được khép lại, và mở ra một chương mới với tình hữu nghị, hợp tác và phát triển. Những bài học thực tiễn trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là cơ sở vững chắc để một dân tộc luôn yêu tự do, hòa bình và công lý, cùng nhau kiên trì, đồng tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia, cũng như trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

__________

- Ngày 16/3/1920, mật thám Pháp ghi nhận được thông tin về việc Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành bản thảo sách mang tên “Những người bị áp bức” (Les Opprimés) đang có ý định gặp hai chính khách cánh tả nổi tiếng là Mácxen Casanh (Marcel Cachin) và Giăng Lunggơ (Jean Longuet) đề nghị viết lời tựa cho sách, cho biết đã dành được 300 quan tiền Pháp để in và sẽ đến vùng Pons làm nghề nhiếp ảnh để kiếm thêm kinh phí tái bản cuốn sách đó.

- Ngày 16/3/1923, Báo La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân) đăng bài “Những người làm công tổ chức lại, chống bóc lột của chủ tư bản” của Nguyễn Ái Quốc phản ánh bước trưởng thành của phong trào công nhân Trung Quốc và đi đến nhận định: Mặc dầu bọn tư bản nước ngoài và tư bản bản xứ cố hết sức dập tắt hoặc ngăn cản mọi phong trào giải phóng, nhưng những người công nhân Trung Quốc được sự giúp đỡ mạnh mẽ của những người trí thức tận tụy, đã tổ chức lại một cách nhanh chóng và hành động tốt đẹp.

- Ngày 16/3/1951, kết thúc Hội nghị Trung ương lần thứ nhất Khóa II, Bác tham gia Bộ Chính trị cùng với các vị Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh và Ủy viên dự khuyết Lê Văn Lương.

- Ngày 16/3/1961, khi thăm Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) lá cờ đầu của công nghiệp miền Bắc, nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác phân tích: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội để cho đời sống toàn dân được ấm no, hạnh phúc. Muốn no thì phải sản xuất nhiều gạo. Muốn ấm thì phải sản xuất nhiều vải. Muốn có gạo, có vải thì nông nghiệp không thể để mãi như hiện nay mà phải có máy móc. Máy móc là do các chú làm. Phải có nhiều máy và máy tốt”.

- Ngày 16/3/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Thái tử Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Nôrôđôm Xihanúc chào mừng thắng lợi của Hội nghị Nhân dân Đông Dương vừa kết thúc thắng lợi tại Phnôm Pênh. Thư viết: “Hội nghị Nhân dân Đông Dương được triệu tập theo sáng kiến của Ngài đã thành công tốt đẹp, đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào, chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược”.

- Ngày 16/3/1969, Bác Hồ gửi điện khen ngợi đồng bào và chiến sỹ miền Nam đánh giỏi, thắng to trong dịp Xuân Kỷ Dậu: “Giặc Mỹ đã thua nặng. Nhưng chúng vẫn chưa bỏ dã tâm xâm lược, chưa chịu rút quân ra khỏi nước ta.

Vậy ta phải tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh cho đến khi Mỹ, ngụy thất bại hoàn toàn, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”.

ST&BT

Số lượng lượt xem: 34