title

"… công việc nào cũng quan trọng, cũng cần thiết và những người quyết tâm làm tròn nhiệm vụ đều là chiến sĩ, anh hùng"
Thứ tư, 31/01/2024, 08:41 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đây là lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, ngành thương binh, cựu binh, nhân Hội nghị cán bộ ngành thương binh, cựu binh vào tháng một năm 1954; trong khi quân và dân ta đang mở các chiến dịch lớn tiến công địch trên các chiến trường toàn quốc; cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta tiến đến giai đoạn quyết định, cần phải tập trung xây dựng sức mạnh tổng lực, trong đó lực lượng quân sự tiếp tục được củng cố vững chắc về chính trị và tinh thần; đồng thời cần sự quan tâm, chung sức của hậu phương đối với tiền tuyến, đáp ứng yêu cầu của cuộc quyết chiến chiến lược giành thắng lợi.

 

 

Lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen về những việc làm tiến bộ; đồng thời chỉ rõ: "… Công việc bất kỳ to nhỏ, bất kỳ ngành nào, địa vị bất kỳ cao thấp - đều vì kháng chiến, vì dân tộc. Cho nên công việc nào cũng quan trọng, cũng cần thiết và những người quyết tâm làm tròn nhiệm vụ đều là chiến sĩ, anh hùng". Qua đó Người thẳng thắn nhắc nhở các đại biểu và tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành thương binh, cựu binh phải hiểu thật rõ ràng khuyết điểm; phải bàn bạc kỹ càng, đặt kế hoạch thiết thực, để giúp mọi người sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm; nghiêm túc, thật thà tự phê bình và phê bình, để cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ.

Lời của Người được Hội nghị và các đại biểu quán triệt, rút kinh nghiệm sâu sắc; được lãnh đạo của ngành chỉ đạo tổ chức đợt sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc; nhận rõ vai trò quan trọng và trách nhiệm chính trị cao cả của ngành thương binh, cựu binh; xây dựng kế hoạch, đoàn kết thi đua phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho anh em thương bình, bệnh binh, góp phần củng cố vững chắc yếu tố chính trị tinh thần của quân và dân ta, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt nhất các chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng; huy động các nguồn lực xã hội tham gia chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; đời sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ từng bước được cải thiện, bảo đảm cho gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của xã hội.

Với lòng quí trọng và biết ơn những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động, chương trình thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa", phối hợp làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Quân đội chúng sức xây dựng nông thôn mới", phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", chia sẻ, giúp đỡ gia đình chính sách, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

___________

- Ngày 31/01/1927, dưới bút danh là “X.” Nguyễn Ái Quốc viết bài cuối cùng trong loạt 6 bài đăng trên tờ L, Annam (An Nam) với chung một đầu đề là “Các sự biến ở Trung Quốc”. Bài báo đầu tiên viết ngày 13/11/1926 đăng trên số báo ra ngày 02/12/1926, còn bài báo này viết ngày 31/01/1927 và đăng trên số báo ra ngày 14/3/1927.

Đây là thời điểm mà chính trường Trung Quốc đang diễn ra những biến cố sôi động do ảnh hưởng đường lối cách mạng của vị lãnh tụ của nền dân chủ Trung Hoa là Tôn Trung Sơn mới tạ thế (1925), đặc biệt là ở vùng phía Nam Trung Hoa. Chủ nghĩa dân tộc, chống những hiệp ước bất bình đẳng ký với các nước thực dân phương Tây đang dâng cao, đồng thời nguy cơ của một cuộc nội chiến cũng đang đe doạ... Tình hình ấy sẽ có những tác động mạnh mẽ vào Đông Dương.

Đáng lưu ý là người chủ trương tờ L, Annam lại là một người đồng chí cũ của Bác đã từng gắn bó trong những hoạt động của “Nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pháp”. Đó là luật sư Phan Văn Trường. Chính trên tờ báo này và trước đó là tờ La Cloche Felée (Tiếng chuông rè) một số bài viết về Cách mạng Nga và toàn văn Tuyên ngôn Cộng sản đã đăng tải giữa Sài Gòn.

7 năm sau, ngày 31/01/1933, kết thúc Vụ án Hồng Kông, Thống đốc Hồng Kông Uyliam Pin đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh báo cáo lại toàn bộ những giải pháp mà chính quyền “buộc phải giúp đỡ để đưa Nguyễn Ái Quốc trở về với nước Nga” vào một tuần trước đó (22/01), sau khi Tòa án Hoàng gia đã phán quyết phải trả tự do cho nhân vật mà bộ máy mật thám của Pháp đang truy nã.

- Ngày 31/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để ứng phó với sức ép của Việt Nam Quốc dân Đảng đòi nhanh chóng thành lập ngay một Chính phủ chính thức thay thế Chính phủ lâm thời theo thỏa thuận đã ký kết với Việt Minh hồi cuối năm trước. Quan điểm nhất quán của vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời là một Chính phủ chính thức chỉ có thể bầu ra khi Quốc hội đã được triệu tập.

- Tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 31/01/1964, bàn về cuộc vận động “Ba xây, Ba chống”, Bác phát biểu: “Tại sao dưới động, trên không động, nhỏ động, to không động?”. Về những việc đó làm được chỉ nên nói là kết quả bước đầu... Bác phê bình những cán bộ làm việc không hết lòng hết sức, sợ quần chúng, không dám phát động phong trào và đề nghị phát hành loại sách nhỏ, bài ngắn để tuyên truyền giải thích cho quần chúng...

- Đã thành tập quán, vào dịp giáp Tết, Chủ tịch Nước tham gia Tết trồng cây. Ngày 31/01/1965, Bác đến Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) cùng 1.500 cán bộ và đồng bào địa phương trồng cây tại vùng cố đô xưa. Sau đó, Bác tham gia trồng cây tại Hợp tác xã Phù Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), thăm nơi ở của dân, khuyên và hướng dẫn dân cách đào giếng, xây các công trình vệ sinh cho bà con nông dân.

ST

Số lượng lượt xem: 10