title

“Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”
Thứ tư, 10/01/2024, 10:02 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 10/01/1946, tại Hà Nội, trong cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã tham dự phiên họp đầu tiên của Uỷ ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến quốc là một tổ chức tập hợp đông đảo các nhà chuyên môn, các nhân sỹ để tư vấn kế hoạch xây dựng đất nước. Tại cuộc họp này, Bác Hồ chỉ rõ: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

 

 

Có thể nói đây là quan điểm nhất quán đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời triệu tập chỉ một ngày sau Lễ Độc lập (03/9/1945).

Lời phát biểu nêu lên thực trạng về những khó khăn chồng chất mà nhân dân đang phải đối mặt, gánh chịu; là thông điệp khẩn cấp kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, gắng tìm mọi cách khắc phục khó khăn, giải cứu đất nước, nhân dân thoát khỏi cơn hoạn nạn; là tiền đề đến ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi Thi đua ái quốc; phát động, nuôi dưỡng, phát triển các phong trào thi đua, như: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", "Hũ gạo chiến thắng", "Bình dân học vụ"… kịp thời động viên, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xóa nạn mù chữ chống giặc dốt; dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

__________

- Từ Quảng Châu (Trung Quốc), ngày 10/01/1923, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản hỏi về việc có thể nhận bao nhiêu sinh viên Việt Nam vào học Trường Đại học Cộng sản Mát-xcơ-va.

- Ngày 10/01/1946, Bác lên đường thăm tỉnh Hưng Yên mà không báo trước. Tiếp các vị thân hào tới chào mừng, Bác nói rằng: “... Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân”. Bác động viên các thân hào có của, người lao động có công cùng nhau tham gia củng cố đê điều. “Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa”.

Bác đi thăm quãng đê vỡ ở Hưng Nhân cách thị xã 6 km, tự thân lội nước thăm hỏi những người đang tham gia hàn đê rồi lên đường đi Thái Bình tiếp đó là Nam Định nhằm vận động các nguồn lực để củng cố đê điều cho tới khuya mới về đến nhà.

- Một năm sau, khi chiến tranh đã lan rộng cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì đấu tranh ngoại giao, tranh thủ mọi cơ hội để đàm phán mong lập lại hòa bình. Nhưng người đứng đầu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cũng cảnh cáo giới thực dân hiếu chiến trong lá thư đề ngày 10/01/1947 rằng: “Nếu không, chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu đến cùng để giải phóng hoàn toàn đất nước. Nước Việt Nam có thể bị tàn phá, nhưng nước Việt Nam sẽ lại hùng mạnh hơn sau cuộc tàn phá đó. Còn nước Pháp chắc chắn sẽ mất hết và sẽ biến hẳn khỏi cõi Á châu”. Lời tiên đoán ấy về sau đã thành sự thật.

- Ngày 10/01/1960, vị nguyên thủ quốc gia xuống bến Sửu Kho (Hải Phòng) để đón chuyến tàu biển đầu tiên đưa bà con Việt kiều từ Thái Lan trở về nước. Trước đó một ngày, với bí danh V.K, Bác đã viết bài “Kiều bào ta ở Thái Lan luôn luôn hướng về Tổ quốc” đề cập lịch sử di dân, biểu dương truyền thống đoàn kết ủng hộ sự nghiệp cách mạng ở trong nước và khích lệ bằng mấy vần thơ:

Mình tuy nương náu đất người,

Nhưng lòng yêu nước không nguôi bao giờ.

Bấy lâu xa cách nước nhà

Nay về quê cũ thế là vẻ vang.

G. M Sưu tầm

Số lượng lượt xem: 134