title

“Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ dùng được”
Thứ sáu, 01/03/2024, 11:42 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Lời nói trên được trích trong “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người bận công việc chung không đến tham dự cùng các đồng chí Bắc Bộ để phê bình, kiểm thảo và bàn bạc công việc đẩy mạnh kháng chiến. Trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn có tính chất quyết định, vấn đề đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến đặt ra ngày càng cấp thiết. Người đã căn dặn, về việc xây dựng, sử dụng và bố trí đội ngũ cán bộ trên cơ sở phải đánh giá đúng cán bộ, với mục đích là “phải khéo dùng cán bộ”, phải biết rõ năng lực của cán bộ (tức điểm yếu, điểm mạnh, chỗ hay, chỗ dở), cất nhắc cán bộ cho đúng, bố trí sử dụng cán bộ phải hợp lý, hợp tình, đúng người, đúng việc, đúng sở trường, vì việc mà giao người, giúp cán bộ phải đi đôi với giữ gìn cán bộ. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc trong công tác cán bộ, bởi người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở, biết dùng chỗ hay thì sẽ phát huy được thế mạnh, đồng thời giúp sữa chữa, hạn chế được chỗ dở; dùng người cũng như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Người nhắc nhở cần khắc phục, sửa chữa hạn chế “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người”.

Công tác cán bộ muốn đạt được kết quả tốt trước hết phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc và là một quan điểm xuất phát để Đảng ta tiến hành các công việc khác của công tác cán bộ. Muốn hiểu đánh giá đúng cán bộ, trước hết phải có những tiêu chuẩn cán bộ từng loại phù hợp với từng thời kỳ, từng địa phương, từng lĩnh vực, đồng thời phải biết bố trí sử dụng cán bộ đúng với nhiệm vụ, công việc cụ thể. Bố trí sai người, sai việc tất dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ mà còn làm hại cán bộ, lãng phí “chất xám”. Thực hiện lời dạy của Bác, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

____________

- Ngày 01/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì gặp G. Xanhtơni (J.Sainteny) để trao đổi về tương lai quan hệ Việt - Pháp. Cuộc gặp này diễn ra một ngày trước khi khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội (02/3/1946).

Quan sát những cuộc tiếp xúc này, nhà báo và sử gia nổi tiếng của Pháp là P.Đơvinlơ (P.Devillers) viết: Tại Hà Nội, Xanhtơni giờ đây ngày ngày tiếp tục hội đàm với ông Hồ Chí Minh... Ông Hồ từ chối không chấp nhận việc quân đội Pháp đến Hà Nội, cuộc thay quân Pháp và quân Trung Quốc không có giới hạn thời gian. Ông khẳng định Nam bộ là của Việt Nam, là bộ phận máu thịt của Việt Nam. Các đảng phái Việt Nam đều nhất trí về điểm này và người ta không thể chấp nhận bất cứ một điều gì hàm ý tách rời miền Nam.

- Ngày 01/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” xác định: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả Đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích đánh đuổi thực dân Pháp làm cho nước thống nhất và độc lập. Vì vậy... phải: Sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí”.

Thư còn yêu cầu “chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm”. Khi phân tích căn bệnh “ích kỷ, hủ hóa”, Bác viết: “Vẫn biết nhà pha đế quốc là nơi huấn luyện, vẫn biết Việt Minh là một đoàn thể gồm những người yêu nước, chăm lo việc cứu nước. Nhưng hẳn rằng ngoài Việt Minh còn biết bao nhiêu người hay, người giỏi mà Việt Minh chưa tổ chức được. Vả lại nếu chính trị phạm, nếu người của Mặt trận là giỏi hơn ai hết thì những người không có hân hạnh ở tù, những người chưa vào Mặt trận đã là vô tài vô dụng cả sao?

Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cao, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta:

Phải học, học nữa, học mãi” (Lê-nin).

Còn trong “Thư gửi các đồng chí Trung bộ”, Bác nhấn mạnh:

“Giao thông là mạch máu của mọi việc.

Giao thông tắc thì việc gì cũng khó.

Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng”.

- Ngày 01/3/1950, Bác ra “Lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất”: “Chúng ta quyết thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân canh tác, bốn mùa canh tác” đồng thời phải “thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu.

Làm hai việc trên là góp sức vào công việc chuyển mạnh sang tổng phản công”.

- Ngày 01/3/1953, Báo Nhân Dân đăng bài “Phóng tay phát động quần chúng” của Bác giải thích về chủ trương “triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức”. Bài báo viết: “Đó là một việc rất công bằng và rất hợp lý... Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, nông dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, công lao nhiều nhất. Thế mà họ lại nghèo khổ nhất, vì địa tô quá nặng, nợ lại quá cao.

Nông dân ta có công với Tổ quốc, thì triệt để giảm tô, là bù đắp lại một phần nào cho công lao của nông dân”.

ST&BT

 

 

Số lượng lượt xem: 16