title

“Cần phải làm thế nào để cho công nhân da đen và da vàng cũng hiểu rằng: Kẻ thù duy nhất của họ nằm ngay trong bản thân cái chế độ này, chế độ đang dẫn đến một chế độ nô lệ tinh vi hơn, nặng nề hơn, và vô nhân đạo hơn chế độ trước đây. Và chỉ với sự giúp đỡ của những người anh em bị áp bức của mình ở các nước châu Âu, họ mới sẽ có thể tự giải phóng được mình”
Thứ hai, 18/03/2024, 12:50 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 18/3/1923, báo L’ Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp đăng bài “Cuộc bạo động ở Đahômây”. Sau khi mô tả những diễn biến của các biến động chính trị tại thành phố Poúctô Nuvu (Porto Nouvo), thủ phủ thuộc địa này của Pháp ở Châu Phi, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng ta phải rút ra những kết luận nghiêm túc từ những sự kiện này, cụ thể là: Trong các thuộc địa, công nhân đã bắt đầu hiểu thế nào là đấu tranh giai cấp. Cần phải làm thế nào để cho công nhân da đen và da vàng cũng hiểu rằng: Kẻ thù duy nhất của họ nằm ngay trong bản thân cái chế độ này, chế độ đang dẫn đến một chế độ nô lệ tinh vi hơn, nặng nề hơn và vô nhân đạo hơn chế độ trước đây. Và chỉ với sự giúp đỡ của những người anh em bị áp bức của mình ở các nước Châu Âu, họ mới sẽ có thể tự giải phóng được mình”.

 

 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cống hiến cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Một trong những cống hiến lớn lao của Người là tạo dựng được tình đoàn kết giữa các dân tộc, các giai cấp bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Theo Người, muốn giải phóng dân tộc, giải phóng con người, thì giai cấp cần lao toàn thế giới phải đoàn kết đấu tranh, đánh đổ giai cấp bóc lột, thống trị.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng vô sản thế giới muốn thành công đòi hỏi giai cấp vô sản, các đảng cộng sản và công nhân quốc tế phải đoàn kết thống nhất, phải gắn bó thân thiết như anh em một nhà. Với Người, đoàn kết thống nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đoàn kết gắn bó trong các nước xã hội chủ nghĩa anh em là cơ sở nền tảng, là nhân tố quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Và để xây dựng, củng cố sự nghiệp đoàn kết cao cả ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, các đảng cộng sản và công nhân quốc tế phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng tư tưởng sai lầm, lệch lạc như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại hiện đại…

Hiện nay, trước hoàn cảnh lịch sử mới, mặc dù quan hệ giữa Việt Nam với các nước có nhiều phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng cộng sản Việt Nam xác định chủ trương: “Củng cố và tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới”. Đồng thời, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết khu vực, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia cũng vẫn là cơ sở lý luận, phương pháp luận để Đảng xác định: “Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước Asean, các nước châu Á - Thái Bình Dương… Củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược”.

__________

- Ngày 18/3/1922, báo L’ Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp đăng truyện ngắn có tên là “Rủi Ro - hay Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam” của Nguyễn Ái Quốc ký duới bút danh “Cu Li Xe”. Câu chuyện kể về thân phận khốn khổ của một người phu kéo xe bản xứ luôn bị những vị khách của mình là những nguời thực dân trong vai một cha đạo hay thủy thủ đối đãi một cách khinh miệt và bất công bằng những hành vi thô bạo như đá đít, quỵt tiền hay dùng vũ khí đe dọa.

- Ngày 18/3/1946, đúng vào ngày các đơn vị quân Pháp kéo vào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Lơcléc (Leclerc), người đứng đầu lực lượng quân sự của Pháp ở Đông Dương để bày tỏ quan điểm: “Tôi hết lòng hy vọng rằng toàn thể nước Pháp mới và nước Việt Nam mới sẽ nêu ra trước hoàn cầu một cái gương sáng: Cái gương hai nước biết cùng nhau giải quyết được hết các vấn đề khó khăn gai góc ngay sau cuộc tổng đảo lộn của hoàn cầu, bằng cách liên hiệp với nhau và hiểu biết lẫn nhau... để mưu hạnh phúc cho cả hai dân tộc và để mưu hòa bình cho thế giới”.

- Ngày 18/3/1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức phát động phong trào “Phụ nữ Ba đảm đang” theo gợi ý của Bác Hồ. Phong trào đã thu hút hàng triệu phụ nữ tham gia với nội dung: Đảm đang sản xuất thay cho nam giới ra tiền tuyến; đảm đang việc nhà cho người thân yên tâm ngoài chiến trường; trực tiếp tham gia chiến đấu trong các lực luợng dân quân, du kích, tự vệ.

- Tháng 3/1967, Bác viết hai bức thư gửi tới nhân dân Thụy Điển và Italia là những nơi đang diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Trong bức thư có đoạn: “Chúng tôi ở trên đất nước chúng tôi. Chúng tôi không làm điều gì tổn hại cho nước Mỹ. Đế quốc Mỹ hãy chấm dứt sự xâm luợc của chúng và cuốn gói thì lập tức hòa bình sẽ được lập lại ở Việt Nam... Đế quốc Mỹ dù điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh đến mức nào, chúng tôi cũng quyết tâm đánh bại chúng. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi của mình, vì sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa!...”.

ST&BS

Số lượng lượt xem: 19