title

“Các cô các chú phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó”.
Thứ ba, 18/02/2025, 08:50 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các sinh viên khi Người đến thăm khu Việt Nam học xá, trong bối cảnh sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiến thiết nước nhà, là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

 

 

Lời căn dặn trên, không chỉ khẳng định giá trị cơ bản của một con người là tài và đức mà còn đòi hỏi mỗi sinh viên Việt Nam, chủ nhân tương lai của nước nhà phải trau dồi cả đức, cả tài; phải nhận thức sâu sắc mối quan hệ hữu cơ giữa đức và tài. Đức chính là đạo đức, là tư cách tác phong, là lòng nhiệt tình, là những khát vọng chân, thiện, mĩ... Tài chính là tài năng, là kiến thức, là hiểu biết, là kĩ năng, kĩ xảo, là kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp. Tài và đức là những phạm trù khác nhau nhưng gắn bó chặt chẽ không thể tách rời. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện, đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến. Đức được coi là hàng đầu, là cái gốc của người cách mạng. Chính vì thế, thiếu đức con người trở thành vô dụng, thiếu tài người ta làm việc gì cũng khó. Cách nói của Bác rất giản dị và cụ thể, giúp ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đức, của tài trong phẩm chất, năng lực của mỗi con người. Lời căn dặn ấy chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc các sinh viên Việt Nam không ngừng phấn đấu vươn lên rèn đức, luyện tài, vì ngày mai lập nghiệp, góp sức kiến thiết nước nhà, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

__________

- Ngày 18/02/1922, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Phan Châu Trinh gửi từ Mácxây (Marseille). Cụ Phan là một nhà ái quốc lớn, lại là người có quan hệ thân tình trong phong trào Việt kiều tại Pháp. Về tuổi tác và uy tín Phan Châu Trinh tuy là bậc bề trên nhưng thực tiễn đã giúp Cụ nhận ra rằng con đường của mình đã không theo kịp thời đại và tương lai sẽ thuộc về Nguyễn Ái Quốc. Trong thư Cụ đã thẳng thắn nói những khác biệt về đường lối, phê phán những điều mà mình cho là còn bất cập ... nhưng cũng rất chân thành nhận rằng: “Bây giờ tôi tự chim lồng cỏ chậu. Vả lại cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn...” và thừa nhận rằng: “Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông”.

- Chỉ 8 năm sau, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện sứ mạng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và ngày 18/02/1930 đã ra “Lời kêu gọi”: “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để: 1) Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng. 2) Làm cho nước An Nam được độc lập. 3) Thành lập Chính phủ công - nông - binh... Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân. 9) Thực hành giáo dục toàn dân. 10). Thực hiện nam nữ bình quyền.

- Ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm tới các nước Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh vạch trần âm mưu tái xâm lược của thực dân Pháp và khẩn thiết yêu cầu: “Thực hiện tất cả những bước đi thích hợp để bằng sự can thiệp khẩn cấp ngăn chặn cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam, và đi tới một giải pháp cấp bách và hợp lý cho vấn đề Đông Dương”; khẳng định: “Chúng tôi đã xác định sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng chống lại việc tái lập chủ nghĩa đế quốc Pháp”; và đề nghị: “Đưa vấn đề Đông Dương ra trước tổ chức Liên hợp quốc”.

- Ngày 18/02/1951, Đại hội Đảng lần thứ II đã bầu Bác vào Ban Chấp hành Trung ương và giữ cương vị Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam.

- Ngày 18/02/1958 là mồng Một Tết Mậu Tuất, vừa về nước sau chuyến thăm Ấn Độ và Miến Điện, Bác dành thời gian thăm các đơn vị quân đội, nhà máy, Đại học Bách khoa, đồng bào người Hoa, cán bộ tập kết và gửi thư thăm Trường thương binh hỏng mắt.

- Ngày 18/02/1960, Bác viết bài báo “Hơn hẳn” để khẳng định tính hơn hẳn giữa hai phương thức xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa quyết định bởi “năng suất lao động, cho nên ...chúng ta hãy kiên quyết giảm bớt những cuộc bàn cãi suông xem chừng không bổ ích mấy. Hãy dồn sức vào giải quyết những vấn đề thiết thực hơn để không ngừng nâng cao năng suất lao động... Năng suất lao động - tích luỹ cao - sản xuất cao - đời sống cao. Đó là con đường tiến lên không ngừng của chúng ta”.

ST & BS

Số lượng lượt xem: 36