title

“Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân”
Chủ nhật, 24/03/2024, 12:42 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Lời nói trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Đại hội lần thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam ngày 24/3/1961, trong điều kiện miền Bắc nước ta đang ra sức củng có quan hệ sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Để nhận thức đúng tình hình, tiếp thu tư tưởng tiên tiến, học tập kinh nghiệm tốt trong đấu tranh thực hiện thắng lợi cách mạng. Theo người, muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức cách mạng của người cách mạng, thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công. Để giải quyết nhiệm vụ đó phải có đội ngũ cán bộ tốt: Bởi vì, "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Đội ngũ cán bộ phải thực sự là lực lượng tiên phong về trí tuệ, về phẩm chất đạo đức, phải là những hạt giống tốt để nhân giống rộng trong xã hội và các đoàn thể. Muốn vậy phải thường xuyên giáo dục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về mọi mặt, mà trước hết là về đạo đức cách mạng.

 

 

Người cho rằng, đạo đức cách mạng là "cái gốc'' cái căn bản của người cách mạng. Có đạo đức cách mạng mới trở thành người cán bộ tốt. Mới làm tròn vai trò người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành, tận tuỵ của nhân dân. Đạo đức cách mạng là cơ sở, nền tảng để mỗi cán bộ phấn đấu hoàn thiện mình. Bởi lẽ, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Đạo đức cách mạng không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của cả loài ng­ười, biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, là suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, “hết lòng phụng vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Đó là cốt lỏi, là bản chất của đạo đức cách mạng, là nguyên tắc cao nhất.

___________

- Ngày 24/3/1946, đã diễn ra cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) trên tuần dương hạm “Emile Bertin” đậu trên Vịnh Hạ Long. Cuộc thảo luận xoay quanh việc thúc đẩy những cuộc tiếp xúc cao cấp giữa hai bên trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh mà vị Chủ tịch Nước Việt Nam yêu cầu sẽ phải được diễn ra tại nước Pháp nhằm ngăn chặn những mưu đồ của các phần tử thực dân muốn phá hoại những nỗ lực hòa bình. Tháp tùng Bác còn có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám.

Sau khi chứng kiến cuộc diễu binh thị uy lực lượng quân sự trên biển của Pháp, Bác nói với Tướng Raun Xalăng (Raoul Salan): “Nếu đô đốc (D’Argenlieu) muốn đem tàu bè ra lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi!”.

Nhận xét sau cuộc hội kiến này, chính Đô đốc Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) cũng thừa nhận: Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bản lĩnh vững vàng. Ông biết mình muốn điều gì và chỉ đạo hoạt động của mình một cách kiên nhẫn... Chủ tịch có được cái kỹ thuật của một lãnh tụ cách mạng, cũng là cái kỹ thuật của Đảng đã đào tạo nên ông.

- Ngày 24/3/1958, nhân dịp Phó Thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Tây Bắc, Bác Hồ viết thư thăm hỏi và động viên đồng bào các dân tộc bước vào kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế và văn hóa để Khu Tự trị Tây Bắc nhất định sẽ ngày càng giàu có, đời sống nhân dân sẽ ngày càng đầy đủ.

- Ngày 24/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn Tổng thống Ấn Độ Praxát (Prassad) thăm một số địa điểm tại Hà Nội trong đó có chùa Quán Sứ và chùa Một Cột, nơi trồng cây Bồ Đề mà Bác mang từ Ấn Độ về trong chuyến đi thăm nước bạn. Buổi tối, trong buổi đáp từ tại bữa tiệc do Tổng thống Ấn Độ chiêu đãi, Bác đánh giá: “Tổng thống là người đã suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Ấn Độ. Ngài lại là một vị chiến sỹ lão thành luôn luôn đấu tranh cho hòa bình thế giới và hữu nghị giữa các dân tộc. Ngài là một người đạo cao đức trọng, nêu gương sáng cho mọi người chúng ta noi theo...”.

- Ngày 24/3/1966, đến thăm và nói chuyện với Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác nói: “Bây giờ, chiến tranh của ta là chiến tranh gì? Đó là chiến tranh nhân dân. Vì vậy, giao thông vận tải cũng là giao thông vận tải nhân dân". Người căn dặn: "Giao thông vận tải là một mặt trận. Vì vậy, mỗi công nhân, thanh niên trong ngành Giao thông vận tải phải là một chiến sỹ. Phải quyết tâm làm cho giao thông vận tải thắng lợi. Giao thông vận tải thắng lợi tức là chiến tranh đã thắng lợi phần lớn rồi”.

ST&BT

Tất cả cảm xúc:

15Nguyễn Quyết Thắng, Hứa Hải và 13 người khác

Số lượng lượt xem: 35