title

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 01 tháng 4 năm 1958): “Trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận”
Thứ ba, 01/04/2025, 09:53 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Câu trên được trích trong lưu bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi tại cuộc triển lãm ngành Hậu cần Quân đội ngày 1-4-1958. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy nguồn lực vật chất (tài nguyên thiên nhiên, vốn liếng...) là hữu hạn; còn nguồn lực trí tuệ, khả năng sáng tạo của con người là vô hạn. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị là Chủ tịch nước, Người đã có bài viết với tiêu đề “Tìm người tài-đức” đăng trên Báo Cứu quốc. Bài viết thể hiện sự quan tâm, trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao, sử dụng trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; thể hiện rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải sớm đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức trong nước và thu hút trí thức Việt kiều ở nước ngoài, tạo điều kiện tối đa cho trí thức phát huy tài năng, kiến thức của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

 

 

Phát huy truyền thống, kế thừa những giá trị nhân văn sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình quốc gia và đầu tư cơ sở vật chất thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và đánh giá cao vai trò của trí thức, của khoa học công nghệ, coi đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước đưa kinh tế tri thức giữ vai trò chủ đạo trong tỷ trọng tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

__________

- Ngày 01/4/1921, Nguyễn Ái Quốc tố cáo chế độ thực dân bằng bài viết “Mười trường học - 1500 đại lý rượu” đăng trên tờ La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân). Bài báo đưa ra những con số thống kê ở Đông Dương về số trường học ít ỏi bao nhiêu thì các đại lý rượu và thuốc phiện lại nhiều gấp bội, mang lại những hậu quả khiến cho người dân bản xứ ngu dốt và nghiện ngập.

- Một năm sau, ngày 01/4/1922, số đầu tiên của tờ Le Paria (Người cùng khổ), “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” ra mắt bạn đọc tại Pari. Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí là dân các thuộc địa của Pháp tham gia làm tờ báo lấy mục đích là lên án chủ nghĩa thực dân và giác ngộ nhân dân các nước thuộc địa đoàn kết lại. “Lời kêu gọi” viết: Báo Le Paria là vũ khí để chiến đấu. Sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người!. Trên trang nhất của số báo này cũng đăng thông báo đề tài “Sân khấu Việt Nam” sẽ do Nguyễn Ái Quốc trình bày trong chương trình sinh hoạt của Câu lạc bộ Ngoại ô tháng 4-1922.

- Ngày 01/4/1942, Báo Việt Nam Độc lập xuất bản tại Cao Bằng đăng bài “Ca sợi chỉ” gồm 20 câu thơ lục bát của Nguyễn Ái Quốc khích lệ tinh thần yêu nước và cổ động đồng bào tham gia Mặt trận Việt Minh:

"… Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,

Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.

Yêu nhau xin nhớ lời nhau,

Việt Minh hội ấy mau mau phải vào”.

- Ngày 01/4/1949, cũng trong một phiên chủ trì Hội đồng Chính phủ họp thảo luận thông qua chương trình kinh tế, kế hoạch quân sự và thay đổi nhân sự. Cùng ngày, Bác viết thư cảm ơn Công đoàn Vận tải Sông Thao (Yên Bái) đã tặng chiếc áo trấn thủ đẹp, trong thư viết: “Cảm ơn các bạn đã biếu tôi một áo trấn thủ rất đẹp. Vận tải là một việc quan trọng cho Chính phủ và nhân dân, tôi rất vui lòng các bạn đã quyết xung phong thi đua ái quốc về ngành ấy và chúc các bạn thành công”.

- Ngày 01/4/1950, để giải thích chính sách xây dựng “Quỹ Công lương” mới được ban hành, với bút danh “T.L”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Sắc lệnh lập quỹ Công lương, mục đích để nhân dân góp lương thực vào công quỹ quốc gia, cấp dưỡng bộ đội, công nhân viên chức làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp Chính phủ..., cốt để giải quyết vấn đề tiếp tế khó khăn hiện nay và sau này trong giai đoạn tổng phản công. Cuộc kháng chiến càng gần thắng lợi càng đòi hỏi nhiều hơn công sức của nhân dân. Quỹ Công lương được nhân dân hăng hái đóng góp nhanh chóng sẽ là một sức mạnh mới đẩy nhanh cuộc chuẩn bị tiến sang giai đoạn cuối cùng và bảo đảm cho tổng phản công thắng lợi hoàn toàn”.

- Ngày 01/4/1953, Báo Nhân Dân đăng bài “Con voi với con muỗi” của Bác (ký tên C.B) phê phán ý kiến của một nghị sĩ Pháp đi thăm vùng tạm chiếm, cho rằng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam giống như cuộc chiến tranh giữa con muỗi với con voi. Đảo ngược lại, Bác khẳng định quan điểm của mình bằng một câu ca:

“Nay tuy châu chấu đấu voi,

Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”.

ST & BS

Số lượng lượt xem: 17