title

“Đảng và Chính phủ lúc nào cũng chú ý đến đồng bào vùng cao và càng ngày càng hết sức chú ý giúp đỡ đồng bào nhiều hơn nữa”
Thứ năm, 02/05/2024, 18:32 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 02/5/1959, Bác gặp Đoàn đại biểu các dân tộc ít người về dự lễ kỷ niệm ngày 01/5 ở Thủ đô với lời căn dặn: “Ngày nay, đồng bào không còn bị bọn đế quốc áp bức khổ sở như trước, phải làm cho đời sống ngày càng no ấm hơn. Muốn thế, đồng bào phải tăng gia sản xuất. Muốn có nhiều lúa, ngô, khoai, sắn, bông, v.v.. thì phải đoàn kết, thương yêu nhau, tổ chức nhau lại. Ví dụ: Như muốn nhấc một hòn đá nặng, một người, hai người không thể làm được, nhưng 20, 30 người xúm xít nhau lại thì nhất định sẽ nhấc được hòn đá... Đảng và Chính phủ lúc nào cũng chú ý đến đồng bào vùng cao và càng ngày càng hết sức chú ý giúp đỡ đồng bào nhiều hơn nữa”.

 

 

Đây là giai đoạn miền Bắc đang đẩy mạnh phong trào tổ đổi công, tiến dần lên hợp tác xã; trong đó, đồng bào các dân tộc ít người là lực lượng chủ yếu trong phát triển phong trào ở miền núi. Lời khẳng định của Bác thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Chính phủ trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, nhất là đoàn kết với đồng bào các dân tộc ít người và trách nhiệm của Đảng, Chính phủ đối với việc thực hiện chính sách đó, góp phần cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào ở vùng cao.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã quan tâm với việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với đồng bào vùng cao, vùng dân tộc ít người; trong đó: Chú trọng phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể từng vùng, đảm bào cho đồng bào các dân tộc phát huy thế mạnh của địa phương, làm giàu cho mình và cho xã hội; ưu tiên phát triển giáo dục, coi trọng việc đào tạo cán bộ và đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số; tôn trọng và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc…

____________

- Báo cáo của mật thám Pháp cho biết, ngày 02/5/1920, Nguyễn Ái Quốc đến Bệnh viện Val de Grace ở Pari để thăm một người bạn bị phạt vì đã tham gia đình công nhân ngày Quốc tế Lao động.

- Một ngày đầu tháng 5/1921, Nguyễn Ái Quốc đem số “Le Paria” mới ra đến tặng nhà văn Hungri Bacbútxơ (Henri Barbusse) và gặp cả danh họa Pablô Picátxô (Pablo Picasso). Cả ba người đã đi xem bộ phim “Chủ nghĩa Tư bản và Tôn giáo” của đạo diễn Hà Lan Giôrít Ivenxơ (Joris Ivens). Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã có bài giới thiệu bộ phim nổi tiếng đó trên tờ “L’ Humanité” (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp.

- Ngày 02/5/1923, cũng báo cáo của mật thám cho biết Nguyễn Ái Quốc nhận đơn của một người làm công ở Khách sạn “Bretagne”, quận 14, Pari xin được gia nhập Hội Liên hiệp Thuộc địa. Hội này được thành lập từ tháng 7/1921 do Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhân vật người các nước thuộc địa đang sống ở Pháp chủ trương, trong đó có hai tổ chức là “Hội những người Việt Nam yêu nước” và “Hội Đấu tranh cho quyền công dân” của người Mađagaxca. Chính Hội này đã ra tờ báo “Le Paria”(Người cùng khổ)...

- Ngày 02/5/1925, từ Quảng Châu, với bí danh là “Howang T.S”, Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Công hội Đỏ về ngày làm việc đầu tiên của Đại hội lần thứ I của Nông dân tỉnh Quảng Đông và Đại hội lần thứ II của công nhân toàn Trung Quốc. Báo cáo tường thuật diễn biến của sự kiện và nêu bật một đặc thù là Chính phủ Quốc dân Đảng ở Quảng Đông đang thực hiện chính sách “Liên Nga - dung Cộng - ủng hộ công nông” lại hậu thuẫn cho Công hội Đỏ và đã “thực hiện một mặt trận thống nhất giữa những người bị bóc lột ở các thành phố với những người bị bóc lột ở nông thôn, những người lãnh đạo đã triệu tập đồng thời vào một lúc hai Đại hội họp ở cùng một địa điểm”.

- Ngày 02/5/1967, tại Thủ đô Xtốckhôm của Vương quốc Thụy Điển, hai nhà trí thức lớn Giăng Pun Sác (Jean Paul Sartre - nhà văn Pháp) và Bêctơran Rôtxen (Bertrand Roussel - triết gia Anh) đã mở phiên đầu tiên của Tòa án quốc tế xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Nhân sự kiện này, Bác Hồ gửi điện bày tỏ: “Việc Tòa án quốc tế mở phiên chính thức đầu tiên, nhất là trong lúc Mỹ đang điên cuồng leo thang, đánh phá Cảng Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội, có ý nghĩa rất lớn. Đó là một sự cổ vũ mạnh mẽ không những đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi mà đối với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập dân tộc và hòa bình”.

ST & BS

Số lượng lượt xem: 17