title

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 26 tháng 4 năm 1951): BỘ ĐỘI CHƯA ĂN CƠM, CÁN BỘ KHÔNG ĐƯỢC KÊU ĐÓI
Friday, 26/04/2024, 14:28 PM
Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 26/4/1951, Bác đến dự Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, một chiến dịch quân sự diễn ra dọc đường 18 (Phả Lại - Uông Bí) đạt hiệu quả không cao, Bác nhắc nhở: “Tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc... Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được… Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng.

 

 

Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân... Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội... Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc... Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí giúp cho quân đội ta trở nên quân đội tất thắng”.

Trước đó, khi cùng Bộ Chính trị nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch kiểm thảo và tự phê bình về Chiến dịch này, Bác căn dặn: “Tự phê bình là cần, nhưng tự phê bình phải tăng cường đoàn kết, rút ra được bài học kinh nghiệm, xây dựng được lòng tin vào chiến dịch sau”.

Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội ta; là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, vừa là thuộc tính bản chất của một quân đội cách mạng, vừa là một trong những cơ sở tạo nên sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho đội ngũ cán bộ quân đội yêu cầu phải luôn chăm lo đến đơn vị, đồng cam cộng khổ với bộ đội thì bộ đội nhất định tin và nghe theo: “Đối với binh sĩ, thì lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh”. Và Người khẳng định: “Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”.

Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta, mối quan hệ cán-binh được xây dựng trên cơ sở tình thương yêu đồng chí, đồng đội, được tôi luyện, thiết lập vững chắc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ các cấp trong quân đội luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, gương mẫu để bộ đội học tập, noi theo; xây dựng tinh thần tự giác trong bộ đội, trở thành lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”.

Trong giai đoạn hiện nay, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội hằng ngày một cách chu đáo, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, sự nêu gương của cán bộ đối với bộ đội. Đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải hết lòng chăm lo xây dựng đơn vị, tôn trọng và thương yêu cấp dưới như “chân với tay” thì cấp dưới sẽ kính trọng, coi lãnh đạo, chỉ huy của mình “như đầu, như óc”, như người thân trong gia đình; từ đó, bộ đội sẽ mang hết khả năng để thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh một cách tự giác và có hiệu quả cao nhất. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải luôn là hạt nhân đoàn kết; kiên quyết chống biểu hiện xa rời cấp dưới, quan liêu, hách dịch, vô cảm…; phải thật sự làm cho cấp dưới kính trọng, tin tưởng, học tập và noi theo, góp phần giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện mới.

___________

- Ngày 26/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với Hội đồng Chính phủ về cuộc tiếp xúc với Tướng Giuanh (Juin), Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp vừa từ Trung Quốc đến Việt Nam nhằm tiếp tục gây sức ép buộc quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng phải nhanh chóng rút quân và trao lại quyền kiểm soát cho Pháp ở Hà Nội. Ngoài ra, Bác còn thông báo tin tức về Đoàn Quốc hội ta mới đến Pháp và cuộc Hội nghị trù bị đã bắt đầu ở Đà Lạt.

- Tháng 4/1952, Bác đến thăm và giải đáp thắc mắc cho cán bộ lớp đảng ủy, liên chi về vấn đề quan hệ trong và ngoài Đảng. Kết luận, Bác nhắc nhở: “Đảng viên lập trường phải vững. Lập trường giúp thành tâm, thành ý phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Tư tưởng trong sạch. Tất cả đều giải quyết được, đó là chìa khóa”.

- Ngày 26/4/1960, nhận được bức thư của một nữ công dân Liên Xô, chị Ácatờrina Iuxipđôpna chúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 gửi tới “vợ đồng chí Hồ Chí Minh”, Bác đã thân mật viết thư cảm ơn, trong đó có đoạn: “Tôi chưa có gia đình riêng, gia đình của tôi là đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.

- Ngày 26/4/1962, nhân dự phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa II, Bác gặp đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang và nhờ chuyển lụa tặng tới cụ Thào Mì Chúa, người Mông thọ tới 150 tuổi.

- Ngày 26/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị bàn về Đại hội tuyên dương anh hùng chiến sỹ thi đua và bàn về cách đánh Mỹ, đã đưa ra quan điểm: “Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ sẽ bị thua thiệt nhiều và phải rút hết quân, ta sẵn sàng cho họ rút có thể diện”.

ST & BS

# of Views: 6