title

Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa (ngày 04/6/1952) - “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”
Tuesday, 04/06/2024, 08:47 AM
Cỡ chữ Màu chữ image

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Bài viết: “Đạo đức lao động”; đăng trên Báo Cứu quốc, số 2092, ngày 04 tháng 6 năm 1952: “Trước kia người ta cho lao động là việc nặng nề, xấu hổ. Nay lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”. Trong những năm kháng chiến, kiến quốc vô cùng khó khăn và gian khổ để đảm bảo cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân thi đua lao động thì kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công.

 

 

Lời kêu gọi: “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng” có ý nghĩa to lớn, không chỉ động viên, cổ vũ tinh thần hăng say lao động của đồng bào cả nước mà còn khẳng định giá trị của lao động là vốn quý, lao động là thiêng liêng; lao động vừa tạo ra của cải vật chất, vừa phát triển con người toàn diện. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dân lao động cả nước đã nêu cao truyền thống cần cù, siêng năng ra sức ngày đêm lao động sản xuất nâng cao đời sống, bảo đảm lương thực cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp giành thắng lợi, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Nhờ có đức tính siêng năng, cần cù lao động mà dân tộc ta, mỗi chúng ta không sợ khó, sợ khổ, biết bền bỉ, nhẫn nại trong học tập, lao động sản xuất…

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, động viên, cổ vũ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo, tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

___________

- Ngày 04/6/1946, tiếp tục cuộc hành trình trên đường sang thăm nước Pháp, ngày 04/6/1946, sau chặng đường bay dài 1.630km từ Cancútta, Bác tới thành phố Agra thăm một số di tích của Ấn Độ như lâu đài “Delhi Cate” (thế kỷ XVII), lăng tẩm Hoàng hậu “Taj Mahan” nổi tiếng.

- Ngày 04/6/1951, Bác chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ chứng kiến lễ tuyên thệ của Phó Giám đốc Ngân hàng Quốc gia, nghe báo cáo chiến thắng của “Chiến dịch Quang Trung”, lần đầu tiên quân đội ta đánh công kiên ở đồng bằng và cái chết của con trai Thống chế Pháp Đờlát đờ Tátxinhi (De Lattre de Tassigny) tại mặt trận Ninh Bình. Chính phủ cũng thông qua chủ trương và điều lệ của thuế nông nghiệp. Tổng kết phiên họp, Bác nêu lên hai kết quả: “1. Thành công của phiên họp là đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, nhất là vấn đề kinh tế-tài chính. Đó là một sự chuyển hướng lớn. 2. Muốn thực hiện được các công tác quan trọng trên thì trong nội bộ tư tưởng phải thông suốt, phải dựa vào dân và thực hành dân chủ”.

Cũng trong tháng 6/1951, Bác gửi thư cho Hội nghị tình báo với lời căn dặn: “Tình báo là tai mắt. Tai phải tỏ, mắt phải sáng. Mọi công tác, nhất là công tác tình báo phải tránh chủ quan, khinh địch, hiếu danh và cá nhân chủ nghĩa”.

- Tháng 6/1953, Bác viết thư cho Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc với những huấn thị: “Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công... Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân; Lương y phải kiêm từ mẫu”.

Cũng trong tháng 6/1953, trong thư gửi Hội nghị cán bộ của Tổng cục Cung cấp năm 1953, Bác căn dặn: “Phải luôn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm. Phải thật lòng thương yêu binh sĩ. Phải chỉnh đốn tổ chức và công tác, và mở rộng dân chủ”.

Còn trong "Thư gửi các lớp chỉnh huấn cơ quan”, phân tích vì sao phải chỉnh huấn, Bác cho rằng vì: “Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác, như: Tự tư tự lợi, sợ khó sợ khổ; không yên tâm công tác. Ham địa vị danh tiếng; Lãng phí, tham ô. Quan liêu, mệnh lệnh, v.v”.

- Ngày 04/6/961, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Tình hình thế giới” phân tích những sự kiện thời sự trong tháng 5 cho thấy “phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình đã giành thêm những thắng lợi mới” được thể hiện trong cuộc đàm phán giữa Pháp với lực lượng kháng chiến Angiêri và Hội nghị Giơnevơ về Lào. Đồng thời, sự can thiệp của Mỹ vào Cuba, Cônggô và Đông Dương trong đó có Nam Việt Nam đòi hỏi “toàn dân ta từ Nam đến Bắc, từ thành thị đến nông thôn, đều phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, khắp nơi phải sẵn sàng đề phòng như trong thời kỳ kháng chiến... Trước kia, nhân dân ta đã thắng thực dân Pháp. Nhân dân ta tỉnh táo thì nhất định sẽ phá tan âm mưu đế quốc Mỹ ngày nay”.

ST & BS

# of Views: 777