“VĂN HÓA NGHỆ THUẬT CŨNG LÀ MỘT MẶT TRẬN. ANH CHỊ EM LÀ CHIẾN SĨ TRÊN MẶT TRẬN ẤY" - “VĂN HÓA NGHỆ THUẬT CŨNG LÀ MỘT MẶT TRẬN. ANH CHỊ EM LÀ CHIẾN SĨ TRÊN MẶT TRẬN ẤY" - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa: “Gửi anh chị em họa sĩ, biết tin có cuộc trưng bày, tiếc vì bận quá, không đi xem được. Tôi gửi lời thân ái hỏi thăm anh chị em. Nhân tiện, tôi nói vài ý kiến của tôi đối với nghệ thuật, để anh chị em tham khảo. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5 tháng 1 năm 1952; trong bối cảnh toàn thể dân Việt Nam đang thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp xâm lược.
|
Trong thư năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời tin tưởng, mong muốn công tác giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ họa sĩ đi đầu xung kích, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, một trong những lực lượng tiên tiến trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.
Lời của Người trong thư năm ấy đã nhanh chóng được anh chị em họa sĩ nói chung, họa sĩ trong quân đội nói riêng vui mừng đón nhận, hun đúc tinh thần thi đua yêu nước, hăng say, sáng tạo nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ - người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
_____________
- Ngày 05/01/1925, từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang làm phiên dịch cho Bôrôđin, cố vấn của Liên Xô bên cạnh Chính phủ của Tôn Trung Sơn, đã gửi một bức thư cho Quốc tế Cộng sản báo tin rằng “Quốc dân đảng Đông Dương vừa được thành lập vào ngày 03 tháng này”.
Đây là nhóm chiến sỹ trẻ yêu nước chịu ảnh hưởng của Phan Bội Châu sang Trung Quốc hoạt động.
16 năm sau đó, cũng ngày này năm 1941, Nguyễn Ái Quốc lại có mặt ở Tĩnh Tây (Trung Quốc) đã gặp Hoàng Văn Thụ được Thường vụ Đảng Cộng sản Đông Dương cử sang báo cáo công việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 8 để quyết định những vấn đề trọng đại cho công cuộc giải phóng.
Và cũng chỉ 5 năm sau đó, ngày 05/01/1946, nước Việt Nam độc lập đó bước vào ngày hôm trước của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Sáng hôm đó, báo chí nhất loạt đăng “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó viết: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.
Chiều hôm đó, tiếp xúc với 2 vạn cử tri tại khu Việt Nam học (nay thuộc khu vực Đại học Bách khoa - Hà Nội), ứng cử viên Hồ Chí Minh tuyên bố: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai bán, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.
Rời cuộc tiếp xúc, Bác đến thăm chùa Bà Đá và trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc đặt tại chùa Quán Sứ và trịnh trọng tuyên bố: “Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”.
- Ngày 05/01/1958, “Lời kêu gọi nông dân và cán bộ quyết tâm chống hạn, đẩy mạnh sản xuất vụ Đông Xuân” được đăng trên các báo và trong ngày hôm đó Bác Hồ về Hưng Yên động viên nhân dân đang chống hạn và tặng bức trướng thêu 4 chữ: Chống hạn giỏi nhất.
- Ngày 05/01/1959, Bác đến khánh thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, viết lời đề từ: Viện Bảo tàng là một trường học tốt về lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam ta, và tặng bảo tàng một kỷ vật riêng của mình: Một chiếc lược làm bằng đồi mồi cất trong một túi vải.
- Ngày 05/01/1960, tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (thời đó xác định là ngày 06/01/1930), Bác đã đọc lời khai mạc và kết thúc bằng lời thơ: Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho sử vàng.
G. M sưu tầm