title

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”
Thursday, 30/05/2024, 14:40 PM
Cỡ chữ Màu chữ image

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết: “Thế nào là Cần”, ký bút danh Lê Quyết Thắng, đăng trên báo Cứu quốc, số 1255, ra ngày 30 tháng 5 năm 1949. Bác đã đúc kết đức: cần, kiệm, liêm, chính là những phẩm chất cần phải có của mỗi con người, giống như quy luật tất yếu của tự nhiên. Mỗi người, nhất là những người có vị trí ảnh hưởng đối với xã hội, đối với cộng đồng phải luôn phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành theo 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính; thiếu một đức tính cũng không thành người. Những lời dạy của Hồ Chí Minh về vai trò của cần, kiệm, liêm, chính đối với sự phát triển toàn diện con người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây là những cơ sở khoa học, cách mạng để Đảng ta vận dụng trong chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức, vừa có tài, vượt qua mọi cám dỗ, khó khăn, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

 

 

____________

- Ngày 30/5/1922, truyện ngắn đầu tiên viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc có nhan đề “Paris” được đăng trên tờ “L’Humanité (Nhân Đạo) kéo dài 2 số. Cùng trong ngày, Nguyễn Ái Quốc còn dự cuộc mít tinh của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức để phản đối chiến tranh.

- Ngày 30/5/1946, nói chuyện tại cuộc mít tinh của nhân dân tổ chức tại Việt Nam Học xá (nay là Khu Đại học Bách khoa, Hà Nội) để tiễn đưa phái đoàn sang thăm nước Pháp khởi hành vào hôm sau, Bác thổ lộ: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân”. Bác cũng căn dặn đồng bào ở nhà 1) Đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ. 2) Ra sức cần kiệm cho khỏi nạn đói khó. 3) Ra sức gìn giữ trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ. 4) Đối với các kiều dân hữu bang, phải tử tế ôn hòa” và để lại câu “Tứ hải giai huynh đệ” (bốn bể đều là anh em - BT). Tiếp các nhà báo, Bác dặn phải làm tròn nhiệm vụ tranh đấu cho nước nhà, nhưng ngôn luận phải ôn hòa, đúng đắn.

- Ngày 30/5/1957, nói chuyện với cán bộ, đảng viên và thanh niên lao động Hải Phòng, Bác Hồ đã thân tình trao đổi: “Sáng hôm nay, Bác có đến thăm mấy chiếc tàu của nước bạn, Bác lấy ngay đó làm ví dụ. Nếu chiếc tàu chạy nhanh thì tất cả cái gì trên tàu cũng đều nhanh, nếu tàu chạy chậm thì tất cả đều chậm cả, chiếc tàu là tiền đồ chung của cả nước, cả nhân dân, còn tiền đồ cá nhân như cái máy, hàng hóa, thủy thủ v.v.. Nếu muốn tách tiền đồ của mình ra khỏi tiền đồ của nhân dân, thì chỉ có nhảy xuống bể mà bơi... Muốn tiền đồ mình vẻ vang, nhất định vẻ vang thì phải làm cho tiền đồ của Tổ quốc, của dân tộc vẻ vang, phải gắn liền tiền đồ của mình với tiền đồ dân tộc, tiền đồ giai cấp, không thể tách riêng được”.

- Ngày 30/5/1959, Bác viết bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” đăng trên Báo Nhân Dân đưa ra một ý tưởng là ngay từ bây giờ nếu có kế hoạch và phấn đấu để mỗi người, mỗi nhà trồng cây theo một định mức thích hợp thì chẳng lâu nữa chúng ta sẽ thực hiện được việc cải thiện nhà ở của đại đa số nông dân. Bài báo kết luận:

"Muốn làm nhà cửa tốt,

Phải ra sức trồng cây.

Chúng ta chuẩn bị từ rày,

Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”.

Và cũng chính từ ý tưởng này mà hình thành phong trào “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động sau đó ít lâu.

ST & BS

# of Views: 1222