"...Phát triển lực lượng du kích mạnh mẽ rộng khắp thành một "thiên la địa võng”, giặc đi đên đâu là bị tiêu diệt đến đó, thì giặc nhất định thua, ta nhất định thắng” - "...Phát triển lực lượng du kích mạnh mẽ rộng khắp thành một "thiên la địa võng”, giặc đi đên đâu là bị tiêu diệt đến đó, thì giặc nhất định thua, ta nhất định thắng” - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài "Đẩy mạnh phong trào du kích", đăng trên Báo Nhân dân, số 160, từ ngày 16 -20/1/1954; trong lúc cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện của nhân dân ta đang giành thế chủ động; các lực lượng vũ trang được củng cố, tăng cường; đặc biệt lực lượng du kích phát triển mạnh mẽ, phối hợp với bộ đội chủ lực giành nhiều thắng lợi lớn. Nhận rõ đặc điểm và vai trò to lớn của phong trào du kích đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, qua bài viết "Đẩy mạnh phong trào du kích", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu, phổ biến kinh nghiệm thiết thực về việc xây dựng, phát triển lực lượng du kích, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc.
|
Thực hiện lời dạy của Người, các địa phương trong cả nước tích cực đẩy mạnh phong trào xây dựng, phát triển lực lượng dân quân du kích rộng khắp. Lực lượng dân quân du kích đã cùng nhân dân xây dựng làng xã chiến đấu, kiên cường bám đất, bám dân, tiêu hao lớn quân địch, phá tề, trừ gian; tích cực phối hợp với bộ đội địa phương chống địch càn quét bao vây, giải phóng làng xã, mở rộng khu căn cứ du kích, bảo vệ vững chắc vùng tự do và góp phần cùng bộ đội chủ lực giành thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, lời của Hồ Chủ tịch trong bài "Đẩy mạnh phong trào du kích" vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục vận dụng sáng tạo vào đường lối, quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang; tập trung xây dựng Quân đội nhân dân với số lượng quân thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp.
Quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương, lực lượng dân quân tự vệ và DBĐV trong cả nước đã có bước phát triển mới cả về chất lượng, số lượng và trang bị. Việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, DBĐV ngày nay càng được gắn chặt với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng khu vực phòng thủ, nhất là trong các vùng trọng điểm, xung yếu; thực sự là công cụ chủ yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân ở cơ sở.
____________
- Ngày 11/01/1933, dưới cái tên Tống Văn Sơ, Nguyễn Ái Quốc đang chuẩn bị cho chuyến trở về nước Nga Xô viết. Bị bắt từ ngày 06/6/1931 khi đang hoạt động ở Hồng Kông, qua 9 phiên xét xử, được sự giúp đỡ của một số luật sư tiến bộ người Anh trong đó có ông Lôdơbi, ngày 28/12/1932, Nguyễn Ái Quốc được thả tự do. Lập luận của các luật sư là bộ máy cảnh sát và tư pháp của Hồng Kông đã vi phạm bộ “Luật Bảo thân” (Habeas Corpus). Từ thời điểm đó đến ngày 11/01/1933, được sự giúp đỡ của những luật sư người Anh và một số cơ sở cách mạng của người Việt Nam, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tìm cách rời Hồng Kông tiếp tục hoạt động trong chuyến tàu khởi hành vào ngày hôm sau trên hành trình đến nước Nga, nhưng ghé qua cảng Xingapo.
- Ngày 11/01/1946 từ Thái Bình, Bác đi thăm tỉnh Nam Định, 7 giờ sáng, đông đảo nhân dân đã tề tựu trước Ủy ban Hành chính thành phố nghe vị Chủ tịch Nước nói chuyện với đồng bào về những nhiệm vụ kháng chiến, cứu đói. Sau đó, Bác đến thăm và chia quà cho trẻ em ở Trại trẻ mồ côi Nam Định. Tại đây, Bác cảm động nói với bà Phước: “Tôi ghé qua đây thăm bà và các cháu. Tôi thay mặt các cháu không cha, không mẹ đó cảm ơn bà đã trông nom cho chúng như một người mẹ. Chúng tội tình gì mà tội nghiệp quá”. Rời Nam Định, Bác đi thăm Phủ Lý và nói chuyện với dân chúng đến chào đón vị Chủ tịch Nước.
- Theo hồi ký của một sĩ quan Mỹ trong đơn vị thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược của Mỹ (OSS) mang bí danh “Con Bê” (The Cown Team) là Gioúcgiơ Úychcơ (Georges Wickes) đang đóng tại Sài Gòn được lệnh ra Hà Nội vào đầu năm 1946 để thực hiện cuộc phỏng vấn người đứng đầu nhà nước Việt Nam. Sau đó, Úychcơ (Wickes) đã viết một bức thư gửi cho mẹ nói về cảm nhận của mình đối với nhân vật lần đầu được tiếp xúc (bức thư về sau được công bố khi tác giả đã trở thành một giáo sư đại học). Thư viết: Ông Hồ mặc quân phục, nhưng một cách giản dị không có bất kỳ phù hiệu nào... Khi hỏi rằng ông có phải là người cộng sản không? Ông Hồ không hề dấu giếm sự thật. Nhưng khi hỏi rằng phải chăng điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ trở thành đất nước cộng sản, ông nói rằng ông không phải là người xác định điều này, bản sắc chính trị của đất nước phải được quyết định bởi nhân dân... Hồ Chí Minh hoàn toàn giống vị thánh tử đạo và trong thực tế ông đã cống hiến hầu như toàn bộ 60 năm kỳ diệu của đời mình cho sự nghiệp của dân tộc nhưng tốt đẹp hơn những kẻ cuồng tín mà như một người ông nhân hậu với đồng bào của mình...
Và khi được hỏi rằng Hồ Chí Minh là một người như thế nào? Con sẽ mô tả ông như sự kết hợp giữa Thánh Francis xứ Assisi và Abraham Lincohn (Thánh Phranxớt (Francis) là vị thánh biểu trưng cho tình nhân ái, chống bạo lực và thân thiện với thiên nhiên; còn A.Lincon (A.Lincohn) là vị Tổng thống đoàn kết toàn dân xây dựng thể chế dân chủ - BT).
ST & BS