“Phải quyết chiến quyết thắng, nhưng chớ chủ quan khinh địch…” - “Phải quyết chiến quyết thắng, nhưng chớ chủ quan khinh địch…” - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Việc đình chiến ở Triều Tiên” đăng trên Báo Nhân dân, số 130, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 8 năm 1953; bút danh C.B.
Chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ giữa năm 1950 đến giữa năm 1953, chiến cuộc tạm ngưng khi hai miền đạt được một thỏa hiệp ngừng bắn vào ngày 27 tháng 7 năm 1953. Song, thương vong lớn tất cả các bên tham chiến; trong đó có quân đội Mỹ. Việc đình chiến ở Triều Tiên góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới; trong đó, tinh thần của quân và dân ta hăng hái lên cao, có lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn quyết liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời nhắc nhở quân và dân ta luôn giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không được chủ quan khinh địch.
|
Thực hiện lời Bác dạy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, vượt mọi gian khổ, hiểm nguy, chiến đấu kiên cường dũng cảm với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước.
___________
- Ngày 20-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ tư thừa nhận thủ tục trục xuất Tống Văn Sơ tại phiên tòa lần thứ nhất là sai nhưng vẫn tiếp tục ra lệnh trục xuất tiếp. Luật sư Lôdơbi tiếp tục kháng án vì cho rằng nếu việc bắt giam là trái phép thì việc trục xuất cũng không có cơ sở pháp lý.
- Ngày 20-8-1935, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, dự bữa cơm thân mật với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Môrixơ Tôrê dẫn đầu và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do Vương Minh dẫn đầu.
- Ngày 20-8-1945, trước lúc rời Tân Trào về Thủ đô, Bác mời một số nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái... căn dặn: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, một số các cụ, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa…”. Thực tiễn lịch sử đã diễn ra đúng như những tiên liệu của Bác.
- Ngày 20-8-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhiều nhà tư bản đang đầu tư tại Mỏ than Hòn Gai, giám đốc Công ty Điện và Nước Đông Dương; đồng thời, cũng tiếp tục thuyết phục Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Mariuýt Mutờ cần phải tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý, trên nguyên tắc cơ bản là nước Pháp phải công nhận nền độc lập của Việt Nam và Việt Nam bảo đảm những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp.
- Ngày 20-8-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một loạt các sắc lệnh trong đó có việc ban hành: “Huân chương Kháng chiến” các hạng để thưởng cho những người có công với quân đội và các hoạt động quốc phòng; sắc lệnh thành lập “Trường Y sĩ Việt Nam” để đào tạo cán bộ y tế dân y và quân y.
- Tháng 8-1962, Bác đến nói chuyện với lớp bồi duỡng cán bộ về công tác mặt trận và căn dặn: “Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng… phải làm sao đoàn kết chặt chẽ được mọi tầng lớp nhân dân… đoàn kết được các dân tộc anh em, giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo nhằm… cùng nhau xây dựng Tổ quốc… thực hiện đúng khẩu hiệu:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, thành công, đại thành công!”.
- Ngày 20-8-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ mừng thọ 80 tuổi Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và tặng người đồng chí lão thành hai câu thơ:
“Càng già, chí khí càng dai.
Chống Mỹ, cứu nước ít ai hơn già”.
ST & BT