title

“Người làm tướng có mưu trí bao giờ cũng lo lắng đến lợi, đến hại. Lo đến lợi mới có đủ tin tưởng làm trọn được nhiệm vụ. Lo đến hại mới tìm mưu kế để giải trừ được gian nguy”
Saturday, 17/05/2025, 12:14 PM
Cỡ chữ Màu chữ image

Lời của Bác được trích trong bài “Bàn về phương pháp tác chiến”, được đăng trên Báo Cứu quốc, số 242, ngày 17 tháng 5 năm 1946, với bút danh "Q.Th", thể hiện nhãm quan trong đánh giá tư duy, trí tuệ, tài năng của người làm tướng. Đề cập nguyên lý thứ nhất của Binh pháp Tôn Tử là “phải biết xét đoán trước”. Tác giả nhấn mạnh đến việc dùng binh phải xem xét 5 điều kiện là: Đạo nghĩa, thiên thời, địa lợi, tướng và pháp để kết luận rằng: “Năm điều nói trên, người làm tướng tất phải biết rõ. Thế tức là biết mình. Nhưng biết phải có làm. Làm được thời sẽ có đủ nhân hòa, địa lợi, thiên thời, tướng giỏi, quân nhu đầy đủ để nắm chắc được phần thắng trong lúc chiến tranh”.

 

 

Theo Bác, người làm tướng có mưu trí phải là người có mưu lược; trí sáng tạo; có phương pháp phân tích, phán đoán tình hình một cách khoa học, chính xác; hiểu địch, hiểu mình; biết phân tích thiên thời – địa lợi – nhân hoà; biết phát huy sở trường, sở đoản của quân mình, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của quân địch; biết tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp để đánh thắng quân thù… Đây là yêu cầu không thể thiếu và là thước đo bản lĩnh, tài năng của một người cầm quân giỏi được Hồ Chí Minh vận dụng chỉ đạo việc giáo dục, rèn luyện năng lực và phẩm chất của người làm tướng, đáp ứng nhiệm vụ từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng.

Trong giai đoạn hiện nay, khi sự nghiệp đổi mới đất nước đang có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu to lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch… yêu cầu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đòi hỏi năng lực của người tướng lĩnh quân đội theo quan điểm của Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Đó phải thực sự là người có tri thức toàn diện, giỏi về quân sự, sâu sắc, nhạy bén về chính trị, hiểu biết sâu rộng về văn hóa, khoa học, kỹ thuật… Trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị người cán bộ cấp tướng phải luôn chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tốt tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao và thực hành tốt tự phê bình và phê bình; làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động; luôn tự soi, tự sửa; dự báo và xem xét thấu đáo các điều kiện khách quan, chủ quan khi ra các quyết định; sâu sát, tỉ mỉ, cụ thể trong tổ chức thực hiện; gần gũi với cấp dưới, với bộ đội, là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết, chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

____________

- Ngày 17/5/1921, tài liệu của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự họp Chi bộ Đảng Xã hội Pháp quận 13 ở Pari.

 Cũng trong tháng 5/1921, tờ “La Revue Communiste” (Tạp chí Cộng sản) đăng bài “Phong trào cộng sản quốc tế - Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc nhằm trả lời câu hỏi: “Chế độ cộng sản có áp dụng được ở Châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không?”. Phân tích những đặc trưng lịch sử mà các nước Châu Á và Đông Dương đã trải qua trong đó có sự hình thành những tư tưởng gần gũi với tư tưởng cộng sản, bài viết nhấn mạnh: “Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản, là những điều kiện cơ bản nhất để hành động:

Tự do báo chí;

Tự do du lịch;

Tự do dạy và học.

Tự do hội họp (tất cả những cái này đều bị những kẻ khai hóa thuộc địa ngăn cấm chúng tôi một cách dã man). Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân Châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”.

- Ngày 17/5/1946, tiếp tục cuộc hành trình rời cơ quan đầu não của cách mạng về phía Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đến Chợ Đồn (Bắc Cạn) và tại đây gặp Võ Nguyên Giáp từ dưới xuôi lên đón.

- Ngày 17/5/1958, Bác bắt đầu chuyển qua ở và làm việc tại ngôi Nhà sàn trong khu vườn Phủ Chủ tịch. Ngày 17/5/1959, Bác thăm Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội) khi đó là “con chim đầu đàn” của ngành Công nghiệp cơ khí non trẻ của miền Bắc nước ta.

- Ngày 17/5/1961, đang ở thăm Trung Quốc, từ Quế Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Nam Kinh viếng lăng mộ Tôn Trung Sơn, nhà cách mạng dân chủ Trung Hoa.

- Các ngày 17/5 của hai năm cuối đời (1968 và 1969) Bác đều dành khoảng thời gian từ 9 đến 10 giờ sáng để xem lại và sửa “Di chúc”.

ST & BS

# of Views: 3