“Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng xuất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi” - “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng xuất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi” - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Câu nói trên của Hồ Chí Minh trích trong “Bài nói tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam” ngày 18 tháng 5 năm 1963. Bác vạch rõ: “Chúng ta biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân...”.
|
Đây chính là phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức nghiên cứu khoa học; khoa học phải gắn với nhiệm vụ, với đời sống xã hội; khoa học phải gắn với thực tiễn, phải từ thực tiến và quay lại phục vụ chính thực tiễn và phải đáp ứng nhu cầu của sản xuất, phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và nâng cao đời sống vật chất của nhân dân. Năng suất lao động cao thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Do vậy, trong các thời kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, Người chú trọng đề ra các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển khoa học và kỹ thuật.
Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức dần dần giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các thành phần kinh tế; quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học và kỹ thuật trong xây dựng chủ nghĩa xã hội càng có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc đã được Đảng ta cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án, chương trình; trong đó, xác định cùng với giáo dục đào tạo, thì khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
____________
- Ngày 18/5/1946, tờ Cứu Quốc, cơ quan của Mặt trận Việt Minh đăng bài báo “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, trong đó, lần đầu tiên công bố Ngày sinh của vị Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Ngày 19 tháng Năm này, năm mươi sáu năm trước đây (1890) đã ra đời một người: Hồ Chí Minh. Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động của hầu hết các chiến sỹ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của ông hun đúc...”.
Ngày hôm đó, cũng là ngày Đô đốc Đácgiăngliơ (D’Argenlieu), nhân vật “diều hâu” trong chính giới Pháp tới Hà Nội và đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì cuộc gặp mặt lại diễn ra trước ngày sinh nhật của vị nguyên thủ nước chủ nhà nên theo phép lịch sự, viên Đô đốc thực dân phải dành những lời lẽ thiện chí: Ngày mai là lễ sinh nhật của Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch trường thọ... Bác Hồ cũng đáp lại bằng những lời lẽ thân thiện: Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới lấy làm sung sướng được đón tiếp người thay mặt nước Pháp...
- Tháng 5/1948, trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn “International News Service” của Mỹ, Bác khẳng định: “Chiến tranh sẽ chấm dứt ngay khi nào nước Việt Nam được độc lập và thống nhất thực sự... Chúng tôi bao giờ cũng trông cậy vào chúng tôi và vào cái cảm tình tích cực của các người dân chủ thế giới, trước hết của các người dân chủ Pháp… Chúng tôi chiến đấu chống thực dân Pháp nhưng bao giờ cũng là bạn của nước Pháp dân chủ”.
- Ngày 18/5/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương Cao Miên (Campuchia) Sơn Ngọc Minh nhân kỷ niệm Ngày tuyên bố Độc lập của nước Cao Miên tự do, trong đó khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân Miên cũng là những thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam và của khối liên minh Việt - Miên - Lào đoàn kết chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ”.
- Ngày 18/5/1965, Bác đang ở thăm Trung Quốc đã từ chối việc các bạn tổ chức chúc thọ. Bác nói với Nguyên soái Trung Quốc Diệp Kiếm Anh: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ”.
- Còn ngày 18/5 của các năm cuối cùng (1968 và 1969), Bác đều dành thời gian từ 9 đến 10 giờ sáng để xem lại và sửa “Di chúc”.
ST & BS