title

“Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”
Wednesday, 22/05/2024, 15:33 PM
Cỡ chữ Màu chữ image

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc huấn luyện học tập, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập vào tháng 5 năm 1950, Người đến dự và nói về mối quan hệ giữa học và hành. Theo Người, học phải luôn gắn bó hữu cơ, không tách rời với hành, học để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống vốn đa dạng và phong phú. Học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Muốn thực hành tốt đòi hỏi người học phải được trang bị những tri thức, kiến thức. Quan điểm của Người đã trở thành bài học sâu sắc có tác dụng kêu gọi mọi người đem việc học gắn bó với thực tiễn nước nhà, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Học đi đôi với hành cũng là nguyên lý giáo dục cơ bản của Đảng và Nhà nước ta; phê phán lối học suông, học cốt lấy chữ nghĩa, lấy mảnh bằng, lối học kinh viện, không nhằm mục đích phục vụ thực tiễn.

 

 

Thấm nhuần nguyên lý: “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta chủ trương nâng cao chất lượng dạy và học trong các hệ thống bậc học, cấp học, chung tay xây dựng một xã hội học tập, xem học tập như là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống và có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, học bằng nhiều cách. Học không chỉ là học văn hóa mà còn phải học các kiến thức khác để làm việc, để sáng tạo, để làm người, để sống tốt hơn, thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Nếu không, người học chỉ cần đạt đến mục tiêu có bằng cấp, không còn động lực học tập để có tri thức, để làm việc, để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Một nền giáo dục mà “cả nước là một xã hội học tập” sẽ là động lực thúc đẩy mọi người có trách nhiệm học tập, học tập để không bị lạc hậu và theo kịp bước tiến của khoa học, công nghệ, thời đại, để có điều kiện phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và phát triển bản thân.

____________

- Ngày 22/5/1893, ông ngoại của Bác Hồ qua đời (ngày 07/4 năm Quý Tỵ). Tháng 5/1901, thân phụ của Bác là Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng. Sinh năm Nhâm Tuất (1862), cụ Nguyễn Sinh Sắc (còn có tên là Nguyễn Sinh Huy) đỗ cử nhân năm 40 tuổi (Giáp Ngọ, 1894). Kỳ thi Hội năm Tân Sửu, Thành Thái thứ 13 (1901) có 13 người trúng “Phó bảng” (trong đó có Phan Châu Trinh). Cuối tháng 5/1906, Bác cùng anh trai là Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế để nhận chức Thừa biện Bộ Lễ.

- Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là thành lập một “Ủy ban nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Pari” để chuẩn bị cho chuyến sang thăm chính thức nước Pháp của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam độc lập. Tham gia Ủy ban này ngoài Bác còn có các vị: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh.

 Cũng trong ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có các sắc lệnh thành lập tại Bắc bộ một “Ủy ban hộ đê Trung ương” quy định chức năng, phương thức hoạt động và các chính sách để bảo vệ đê điều, chống lũ lụt; Sắc lệnh về Quân đội của nước Việt Nam là một Quân đội quốc gia được chỉnh đốn theo một quy tắc được ban hành gồm 2 tiết, 6 chương với 62 điều.

- Tháng 5/1952, Bác viết một tài liệu nhan đề “Cách xem xét việc đời và tu dưỡng của người cách mạng” trong đó xác định: “Đảng cách mạng là một đảng phấn đấu để giải phóng dân tộc, giải phóng loài người, giải phóng giai cấp cần lao. Vì vậy, mỗi đảng viên chẳng những cần phải phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng mà còn phải phấn đấu cho cách xem xét việc đời của chủ nghĩa cách mạng”.

- Tháng 5/1954, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chủ trương đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Ta kháng chiến, ta đàm phán cũng đều nhằm một mục đích giành độc lập, thống nhất thật sự cho dân tộc. Hiện nay, súng ở trên mặt trận bắn càng nhiều, càng trúng địch chừng nào thì trên bàn họp Giơnevơ ta lại càng thêm lợi thế chính trị chừng ấy. Giải quyết vấn đề theo nguyên tắc có lợi cho ta và địch có thể thừa nhận, nhưng trước hết là có lợi cho ta. Giải quyết vấn đề là phải có quan điểm toàn cục. Trong Hội nghị Giơnevơ ít nhất phải tranh thủ được thắng lợi chính trị”.

- Ngày 22/5/1968, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác đối ngoại. Về các động thái chính trị đang diễn ra ở Đông Âu, Bác phát biểu: “Tình hình xảy ra ở Tiệp Khắc cũng có thể bùng ra ở một số nước khác. Sinh hoạt xa xỉ, những sự bất mãn, trình độ giác ngộ không nâng cao thì sinh chuyện ra. Đó cũng là bài học, không nên xem nhẹ việc giáo dục đạo đức”.

- Tháng 5/1969, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng Bác vẫn quan tâm gửi thư cho lớp học chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp toàn quân được triệu tập tại Hà Nội với lời căn dặn: “Vấn đề số một là phải không ngừng nâng cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đánh cho đến thắng lợi cuối cùng. Phải có quyết tâm cao để vượt mọi khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Quyết tâm phải biến thành hành động dũng cảm, chiến đấu kiên quyết, không sợ hy sinh gian khổ...”.

ST & BS

# of Views: 732