title

“Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”
Wednesday, 12/06/2024, 08:54 AM
Cỡ chữ Màu chữ image

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp 1, ngày 12 tháng 6 năm 1956. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước với bao khó khăn, thử thách.

 

 

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn của mỗi con người nói chung, người cán bộ, đảng viên của Đảng nói riêng và mối quan hệ biện chứng giữa các phẩm chất ấy. Đức và tài phải được giáo dục, rèn luyện để con người phát triển toàn diện, đủ điều kiện tham gia công tác và cống hiến cho cách mạng. Đức được coi là cái gốc của người cách mạng. Do đó, thiếu đức con người trở thành vô dụng, thiếu tài người ta làm việc gì cũng khó. Lời dạy ấy, chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu vươn lên rèn đức, luyện tài, trở thành người cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, góp công, góp sức cho sự nghiệp kiến thiết nước nhà, xây dựng miềm Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức đan xen; sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những yêu cầu mới. Lời dạy của Bác có giá trị thực tiễn sâu sắc; là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động để xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam.

____________

- Ngày 12/6/1919, hồ sơ của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Tất Thành đang lưu trú tại ngôi nhà số 56 phố Monsieur le Prince. Đây là thời kỳ những tư tưởng chính trị đang hình thành ở nhà cách mạng trẻ, sau một chặng đường dài đi qua nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn định cư tại nước Pháp và hoạt động trong cộng đồng những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

- Tháng 6/1925, diễn ra một sự kiện quan trọng là sự ra đời của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” do Nguyễn Ái Quốc thành lập tại Quảng Châu trên cơ sở những nhóm thanh niên yêu nước đã được tập hợp tại đây. Tôn chỉ, mục đích của Hội được xác định là: “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành được độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)”. Về sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc đánh giá: “Năm 1925, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập ở Quảng Châu khiến cho đế quốc Pháp ở Đông Dương khiếp sợ. Trong tư tưởng của những người đứng ra tổ chức thì Hội này sẽ là cơ sở cho một đảng lớn hơn và tương lai đã chứng minh điều đó”.

- Ngày 12/6/1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bị chuyển từ nhà giam của Sở Cảnh sát sang Nhà tù Victoria, sau khi có lệnh bắt giam chính thức của Thống đốc Anh ở Hồng Kông.

- Ngày 12/6/1946, từ Angiêri máy bay chở Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chặng đường dài 1.525km hạ cánh xuống thành phố Biarritz của nước Pháp. Vì Chính phủ Pháp chưa thành lập xong nên Đoàn lưu lại ở thành phố này một thời gian. Tại đây, Bác gặp lại G. Xanhtơni trong vai trò đại diện của Bộ Ngoại giao Pháp.

- Ngày 12/6/1947, Bác gửi thư tới Đại hội Đảng bộ Liên khu IV với lời căn dặn: “Hội thì phải nghị, nghị thì phải quyết, quyết thì phải hành” và nhấn mạnh: “Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp tức là những người phụ trách vận mệnh an nguy của nước nhà và dân tộc. Vì vậy, mỗi đồng chí phải gắng làm cho đúng năm chữ: Trí, nhân, dũng, nghĩa, liêm... Nếu thiếu một trong năm điều đó, tức là một khuyết điểm to và ảnh hưởng đến công tác”.

- Ngày 12/6/1952, Báo Nhân Dân tiếp tục loạt bài viết của Bác về các tấm gương anh hùng, về nhà trí thức yêu nước Trần Đại Nghĩa, bài báo viết: “Là một đại trí thức, đi học ở Châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến... Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành”.

Về Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị, Bác biểu dương: “Anh hùng thi đua diệt giặc lập công... đã đánh 95 trận từ Bình Trị Thiên đến Việt Bắc, tự mình diệt hơn 200 tên giặc, bị thương nặng 5 lần mà vẫn không rời bộ đội...”.

- Ngày 12/6/1969, Bác gửi ảnh chân dung của mình tặng quân dân các đảo biển vùng Đông Bắc là Cô Tô, Thanh Lâm, Ngọc Vừng, Hòn Ráu và huyện Cẩm Phả.

ST & BT

# of Views: 317