title

“Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân”
Sunday, 07/07/2024, 11:57 AM
Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 07-7-1958, Bác tham dự Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần thứ II và biểu dương: “Anh hùng, chiến sỹ thi đua đó là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng... Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý... không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em xung quanh mình… Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi”.

 

 

Đây là thời kỳ miền Bắc bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế – văn hóa (1958 – 1960). Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế và xây dựng chế độ mới trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận, biểu dương, khích lệ thành tích của các anh hùng, chiến sĩ thi đua đã đạt được trong những năm đầu đất nước hoà bình, khôi phục kinh tế ở miền Bắc. Lời dạy của Người đã cổ vũ, động viên, kêu gọi mọi người hăng hái phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của các anh hùng, chiến sĩ thi đua trong Đại hội. Mặt khác, đã chỉ ra cách thức rèn luyện, phấn đấu cho mỗi cán bộ, đảng viên, phải luôn đặt lợi ích chung của dân tộc, của đất nước lên trên lợi ích riêng của cá nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, không sợ gian nguy, ra sức vượt mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mẫu mực về đạo đức, lối sống, không tự kiêu, tự mãn, tự tư, tự lợi về lợi ích và hưởng thụ, luôn giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Đồng thời, Bác chỉ rõ tầm quan trọng của đạo đức cách mạng và vai trò của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội – một chế độ xã hội mà con người được đặt ở vị trí trung tâm, được bảo đảm về mọi quyền lợi chính đáng, được phát triển toàn diện bản thân.

____________

- Ngày 07-7-1939, trên tờ báo “Notre Voix” (Tiếng nói của chúng ta) viết bằng tiếng Pháp, do những chiến sỹ cộng sản hoạt động công khai chủ trương tại Hà Nội, đã đăng bài “Thư từ Trung Quốc - Hoạt động của bọn tờrốtxkớt Trung Quốc” của Nguyễn Ái Quốc (với bút danh là P.C.Lin) trong đó vạch trần các hoạt động phản bội của các phần tử tờrốtxkớt đối với công cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc.

- Ngày 07-7-1946, tại Pari, Bác tiếp tục gặp gỡ nhiều bà con Việt kiều, tiếp và mời cơm gia đình tướng Raun Xalăng (Raoul Salan) và dự những hình thức lễ nghi và Hội pháo hoa tại cung điện Vécxây để chào mừng khách quý từ Việt Nam tới.

- Tháng 7-1952, nói chuyện với Hội nghị Chiến tranh du kích Bắc bộ Bác phân tích: “Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Trường là dài, tức là đánh bao giờ địch bại, địch “cút”, thế mới là trường... Chớ có vội vàng muốn đánh ngay thắng ngay, thế là chủ quan. Trường kỳ thì phải gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.

Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời lại phải tự lực cánh sinh... Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Sau khi phân tích những khuyết điểm cần phải sửa chữa, Bác nói đến những công việc phải làm: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi”.

- Ngày 07-7-1954, báo Nhân Dân đăng bài “Công giáo Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam” trong đó Bác bình luận về việc nhiều giáo dân, giáo chức và tờ báo lớn của Thiên Chúa giáo ở Pháp lên tiếng chống chiến tranh kêu gọi đình chiến, để từ đó đưa ra lời kêu gọi: “Trước thái độ đúng đắn của những người công giáo Pháp, thì những người công giáo Việt Nam ai đã lầm đường theo giặc, phản nước phản Chúa, cần phải mau mau hối cải, mau mau quay về với chính nghĩa, với Tổ quốc yêu mến của chúng ta”. Cùng ngày, trên báo Cứu Quốc Bác cũng đề cập vấn đề này và nhấn mạnh rằng: ”Những người trung thành với Chúa là những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp hòa bình thế giới”.

- Ngày 07-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự phiên họp khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II, tại kỳ họp này Bác được tái tín nhiệm đảm nhận cương vị Chủ tịch nước.

ST & BS

# of Views: 112