Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là: Phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” - Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là: Phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người làm tướng trong quân đội trong buổi nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, họp tháng 8 năm 1948.
Bác đã luận giải tường minh từng phẩm chất của người làm tướng:
Trí, là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng.
Tín, là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín cũng còn nghĩa tự tin vào sức mình nữa, nhưng không phải là tự mãn tự cao.
Dũng, là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.
Nhân, là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cảm cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.
Liêm, là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống.
Trung, là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng.
Những yêu cầu trên xuất phát từ thực tế khách quan và hoàn toàn phù hợp với quy luật xây dựng và bản chất của quân đội kiểu mới - một quân đội của dân, do dân và vì dân.
Thấu triệt lời Bác dạy, các thế hệ tướng lĩnh trong quân đội - những người đứng mũi, chịu sào, chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng luôn khắc ghi và phấn đấu, rèn luyện. Mỗi vị tướng trong quân đội luôn nhận thức sâu sắc bổn phận phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình; có tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; có tinh thần dám đánh và biết cách đánh thắng quân thù; tiêu biểu mẫu mực về tinh thần tự học, tự rèn; mưu lược, biết địch, biết ta; biết phân tích thiên thời, địa lợi, nhân hòa; biết lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông; biết phát huy sở trường, sở đoản của quân mình; hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch; biết tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến đấu, chiến thắng quân thù…
Trong giai đoạn hiện nay, phẩm chất người sĩ quan cấp tướng trong Quân đội ta tiếp tục được tôi luyện và không ngừng tiến bộ; đội ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội, nhất là các tướng lĩnh không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh trung nghĩa, thao lược, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thương yêu cấp dưới, chia sẻ, đồng cam, cộng khổ với bộ đội; quan tâm, giúp đỡ nhân dân, xứng đáng với lòng tin, tình cảm trân trọng của nhân dân với “Bộ đội Cụ Hồ”, với những vị tướng của nhân dân.
_________
- Ngày 15-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, tại phiên tòa thứ ba của Tòa án Tối cao Hồng Kông xét xử, lời khai của Tống Văn Sơ đã tố cáo những vi phạm của cơ quan tố tụng và xác nhận: ... Tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc, theo tất cả những gì mà chúng tôi biết, có nghĩa là chiến đấu vì nhà vua và vì đất nước... Chúng tôi là một dân tộc đang chiến đấu và có khả năng tự đứng vững trên chính đôi chân của mình, nhưng cũng cần phải tìm sự viện trợ từ bên ngoài... Vì tổ chức của tôi và tôi trông cậy vào sự giúp đỡ của nước Anh nên tôi không hiểu vì sao tôi lại bị bắt?...
- Ngày 15-8-1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang) theo chỉ đạo của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã ra nghị quyết nhanh chóng phát động khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam và yêu cầu các đại biểu nhanh chóng về cơ sở để khẩn trương hành động.
- Ngày 15-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thủ tướng Ấn Độ G.Nêru (J.Nerhu): “Nhân ngày tuyên bố độc lập của Ấn Độ, một ngày long trọng không riêng gì cho quý quốc, mà cho cả đại gia đình Á châu chúng ta, thay mặt dân tộc Việt Nam và riêng tôi nữa, tôi trân trọng yêu cầu Ngài nhận và chuyển cho đại dân tộc Ấn Độ lời chúc tụng nhiệt liệt và lời chào mừng thân ái của chúng tôi.
Tin tưởng vào mối cảm tình và tình đoàn kết giữa các dân tộc Ấn Độ và Á châu, dân tộc Việt Nam cương quyết tranh đấu cho được thống nhất và độc lập”. Cùng với nội dung tương tự, một bức điện khác được gửi tới Toàn quyền Pakixtan chúc mừng Ngày tuyên bố Độc lập của quốc gia Hồi giáo vừa được tách khỏi Ấn Độ thuộc Anh.
- Ngày 15-8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn nhân việc nhà bác học Giôliu Quyri từ trần. Điện viết: “… Giáo sư đã hiến tất cả cuộc đời quang vinh của mình cho khoa học, cho sự nghiệp hòa bình và cho hạnh phúc nhân loại. Giáo sư mất đi là tổn thất rất lớn không những cho nhân dân Pháp, mà còn cho cả nhân dân toàn thế giới”. Vợ chồng Giôliu và Mari Quyri đều nhận Giải Nôben, nhiệt tâm ủng hộ nền độc lập Việt Nam và từng gặp Bác trong thời gian có mặt tại Pari 1946.
- Tháng 8-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi họa sĩ Picátxô (Picasso) nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của danh họa: “Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái thiện, cái mỹ, với hòa bình và nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa cộng sản và vì thế họa sĩ mãi mãi giữ được tuổi xuân. Con chim bồ câu hòa bình do Picátxô vẽ, rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp trên thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngăn cản nổi của nhân dân các dân tộc”. Năm 1946, khi sang thăm nước Pháp, Bác đã thăm Picátxô và được họa sĩ vẽ tặng một bức chân dung.
ST & BS