title

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 13 tháng 9 năm 1958): “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Thứ sáu, 13/09/2024, 11:10 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến dự và phát biểu tại “Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc”, ngày 13 tháng 9 năm 1958. Báccăn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”.

 

 

Sự kế tục giữa các thế hệ nối tiếp nhau vốn là quy luật tồn tại, phát triển của mọi xã hội. Trong bất cứ một quốc gia, dân tộc nào tuổi trẻ đều là lực lượng lãnh đạo kế cận, là tương lai của đất nước. Do vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất kỳ một đất nước, một tổ chức nào muốn phát triển bền vững, muốn có một tương lai rạng rỡ phía trước thì đất nước, tổ chức đó phải biết quan tâm đến vấn đề “trồng người”, tức là phải luôn biết chăm lo, giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp. Đó là một quy luật phát triển tất yếu. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, nhờ quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác bồi dưỡng, chăm sóc thế hệ trẻ - thế hệ tương lai mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã luôn xây dựng được một lực lượng kế cận hùng hậu, trung thành, có đủ phẩm chất và năng lực đưa đất nước vượt qua những thời điểm gian khó, từng bước đưa cách mạng đến những thắng lợi vinh quang, ghi dấu ấn đậm nét vào tiến trình phát triển của dân tộc.

Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, nhưng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới là một sự nghiệp lâu dài, khó khăn, phức tạp, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các thế hệ người Việt Nam. Do đó, Đảng, Nhà nước cùng đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị cần luôn quán triệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt quan tâm, đầu tư, chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai. Đào tạo họ thành những công dân, những cán bộ đủ đức, đủ tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đủ sức kế thừa và tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng vinh quang mà các thế hệ cha anh đi trước để lại.

____________

- Ngày 13-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, chỉ một ngày sau phiên tòa thứ 9, Tống Văn Sơ đã viết thư cho Thống đốc Hồng Kông yêu cầu được đi Anh một cách an toàn. Viên Thống đốc đã điện cho Bộ trưởng Thuộc địa Anh và nhận được gợi ý: Chỉ phóng thích, để tự nhà cách mạng Việt Nam thu xếp rời thành phố và cố gắng đừng để Pháp phản đối.

- Ngày 13-9-1945, Bác dự lễ khai giảng Trường Quân chính Việt Nam (tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật), nhận làm hiệu trưởng và trong lời phát biểu, Bác căn dặn: “Chớ quên rằng làm cách mạng là vì Tổ quốc, vì dân tộc”.

Cùng ngày, Bác tiếp đại biểu các tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao đài) và có lời với các vị chức sắc: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”. Cũng trong ngày, Bác về dự kỷ niệm Lý Bát Đế tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh và nói chuyện cùng đồng bào: “... Bây giờ Chính phủ là Chính phủ của dân thì chắc các cụ cũng nên theo ý dân và nên hết sức cần kiệm cho xứng đáng là con dân trong lúc Tổ quốc đang lâm nạn”.

Trở về Bắc bộ phủ, Bác tiếp chủ bút tờ “Tri Tân” với quan điểm: “Văn hóa với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp cả với nguyện vọng của dân”.

- Ngày 13-9-1946, chuẩn bị về nước, Bác viết thư chia tay Việt kiều: “Đồng bào thân mến của tôi, Đồng bào trông đợi nhiều ở nước Pháp mới. Nay, các đại biểu và Chủ tịch của đồng bào trở lại nước nhà không mang lại độc lập dân tộc, không có quyết định cuối cùng về vấn đề Nam Bộ. Đồng bào có thể vì thế mà thất vọng. Cần biết rằng tương lai của một đất nước không thể xây dựng trong một vài tháng... Hãy tin vào lực lượng chúng ta và sự kiên quyết của chúng ta...”.

- Ngày 13-9-1950, Bác rời Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới, trực tiếp đến thị sát Mặt trận Đông Khê và chỉ thị: “Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu”.

- Ngày 13-9-1951, báo Nhân Dân đăng bài “Để thực hiện 10 điều ghi nhớ của Mặt trận Liên Việt” trong đó, Bác chỉ rõ: “Mười điều ghi nhớ của hội viên Liên Việt không phải là những khẩu hiệu chỉ để hô cho kêu, dán cho đẹp... Mà muốn cho mọi người làm trọn nhiệm vụ, cán bộ Đảng và chính quyền cần biết lãnh đạo thiết thực và xung phong làm gương mẫu”.

ST & BS

Số lượng lượt xem: 304